Xã hội

Tận diệt thủy sản, ngư dân bãi ngang kêu cứu

Sự xâm nhập của các tàu cá “ngoại lai” công suất lớn, khai thác thủy sản gần bờ theo kiểu tận diệt, khiến ngư dân các xã bãi ngang ở Quảng Bình đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, nghề đánh bắt thô sơ gần bờ của họ ngày càng thất bát.

Công việc đánh bắt của ngư dân bãi ngang ngày càng thất bát.

“Hung thần” trên biển

Với ngư dân bãi ngang trong những năm gần đây, điều sợ nhất trong mỗi chuyến ra biển không phải phong ba, bão táp mà là gặp phải tàu giã cào. Họ xem những tàu giã cào như những “hung thần”, không chỉ càn quét nguồn lợi thủy hải sản gần bờ, mà càn quét cả tài sản, thậm chí là tính mạng của ngư dân bãi ngang.

Theo phản ánh của ngư dân các xã bãi ngang của Quảng Bình, tình trạng các tàu giã cào xâm nhập hoành hành dày đặc dọc vùng biển gần bờ khiến ngư dân các xã bãi ngang như: Hải Ninh, Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam điêu đứng. Tàu giã cào thường đi theo từng cặp, chạy song song với nhau rồi dùng loại lưới lớn, mắt dày, có nhiều lớp để quét hải sản từ tầng đáy đến mặt nước. Với kiểu đánh bắt này, các loại cá nhỏ đến cá trưởng thành đều không thể thoát khỏi lưới giã cào. Tình trạng này xuất hiện ngày càng nhiều ngay cả khi sắp vào mùa sinh sản của các loài cá.

Ông Trương Văn Hùng, ngư dân xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh cho biết: Nguồn lợi thủy sản gần bờ là món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho ngư dân bãi ngang. Mùa nào thức ấy, dù không giàu có vì hạn chế về phương tiện đánh bắt, nhưng ngư dân bãi ngang không bao giờ đói. Chỉ cần bước chân xuống biển một vài giờ đồng hồ là đủ cho bữa cơm gia đình tươm tất. “Với ngư dân vùng biển bãi ngang chuyên đánh bắt gần bờ như chúng tôi, những chiếc tàu giã cào thực sự là những “hung thần”. Ngoài việc phá hỏng ngư lưới cụ của chúng tôi, tàu giã cào với cách khai thác tận diệt, cá lớn, cá bé gì cũng không tha như thế này thì nguồn sống của chúng tôi đang bị đe dọa. Chúng tôi kêu cứu lên các cấp chính quyền đã nhiều nhưng tình trạng này vẫn không bị ngăn chặn” - ông Hùng bức xúc nói.

Ông Nguyễn Lâm Phương, Bí thư Đảng ủy xã Ngư Thủy Nam, huyện Lệ Thủy cho biết: Hầu như tháng nào lãnh đạo xã cũng nhận được phản ánh của ngư dân báo cáo về việc ngư lưới cụ của họ bị các tàu giã cào đến từ các địa phương khác như Bình Định, Quảng Ngãi phá hỏng. “Mới đây, tàu cá của ông Lê Văn Tuyền, thôn Liêm Bắc và Lê Văn Thanh, thôn Liêm Chính đang đánh cá ở vùng biển cách bờ 22 hải lý thì bị một chiếc tàu giã cào quét qua phá hỏng 200m dây lưới. Hay như trường hợp của ông Hoàng Văn Lương ở thôn Liêm Tiến, vừa mới ra biển thả lưới chưa kịp thu hoạch thì bị một chiếc tàu giã cào quét qua làm hư hỏng toàn bộ lưới, không thể tiếp tục đánh bắt đành phải vào bờ, thiệt hại hàng triệu đồng” - ông Phương thống kê.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Ngư Thủy Bắc, nguy hiểm hơn, vào mùa biển cuối năm 2016, một chiếc tàu giã cào ở Bình Định đã đâm chìm phương tiện của ông Lê Hữu Định khi đang đánh cá cách bờ hơn 22 hải lý, rất may ông Định và một người bạn tàu được các ngư dân đang đánh bắt gần đó ứng cứu kịp thời. Vụ việc sau đó được báo lên cơ quan chức năng và đã truy ra chủ tàu giã cào, buộc tàu cá này phải đền cho nạn nhân 30 triệu đồng.

Đánh bắt bằng mìn và kích điện ngày càng phổ biến

Không chỉ đánh bắt bằng giã cào mà các tàu “ngoại lai” còn xâm nhập vào vùng biển gần bờ của Quảng Bình để dùng mìn và kích điện để đánh bắt cá và tình trạng này ngày càng phổ biến.

Ngư dân Hoàng Văn Bằng ở xã Ngư Thủy Nam cho biết, không đêm nào ra biển mà ông không nghe thấy tiếng mìn nổ đinh tai nhức óc trên mặt biển. Có hôm, không cần buông lưới, cứ thế nhặt cá chết vì mìn nổi trắng trên mặt biển. “Khai thác theo cách đánh mìn là nghề độc ác nhất trên biển. Tùy theo trọng lượng của quả mìn mà trong vùng diện tích vài trăm mét vuông không một loài thủy sản nào có thể sống sót. Kích điện cũng vậy, với công suất lên đến vài nghìn vôn, những nơi mà tàu kích điện chạy qua, cá chết trắng mặt biển” - ông Bằng nói.

Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Bình cho biết: Chi cục đã phối hợp với các địa phương vùng biển trong tỉnh Quảng Bình, vận động ngư dân không khai thác tận diệt hải sản vùng đáy. Tuy nhiên, vì lợi ích trước mắt, nhiều tàu công suất lớn ở các địa phương khác vẫn đánh giã cào ở vùng biển gần bờ, hủy hoại nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản ven bờ và hệ sinh thái biển.

Ngoài ra, chi cục cũng thường xuyên phối hợp tuần tra kiểm soát nhằm ngăn chặn tình trạng đánh bắt theo hình thức tận diệt. Mới đây, Chi cục Thủy sản vừa phối hợp với Đồn Biên phòng Nhật Lệ tổ chức kiểm tra và phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính 2 tàu giã cào QNg 97361 TS, QNg 97162 TS cùng công suất 920 CV, do ông Võ Bắp (SN 1972, huyện Nghĩa An, tỉnh Quảng Ngãi) làm chủ, đang khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển ven bờ thành phố Đồng Hới, xử phạt 48 triệu đồng.

Năm 2017, Chi cục Thủy sản đã tổ chức 17 cuộc thanh tra về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, lập biên bản vi phạm hành chính 95 trường hợp, xử phạt gần 760 triệu đồng. Trong đó, xử phạt 24 tàu giã cào đôi Quảng Ngãi khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển ven bờ 576 triệu đồng; xử phạt 52 tàu cá vi phạm quy định về quản lí tàu cá 112,5 triệu đồng; tịch thu 34 bộ công cụ kích điện và xử phạt 71 triệu đồng.

Tác giả: HOÀNG NAM

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP