Khung cảnh miếu Bà - Tam Thượng Linh Từ, khi được trùng tu, cải tạo. |
Công trình tín ngưỡng dân gian
Từ những cứ liệu lịch sử tin cậy và từ sự truyền tụng của dân gian qua các thế hệ ở làng Bàu, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa có thể kết luận: Miếu Bà - Tam Thượng Linh Từ được lập để thờ phụng Bà Chúa xứ Nguyễn Kim và Nguyễn Uông.
Khi Phóng viên tìm về địa danh này, từ quan sát, thấy rằng: Miếu có không gian thoáng rộng, phía trước miếu có sân rộng, trước cổng có bức bình phong che chắn với hai cột trụ lớn. Kết cấu chính của miếu được xây thành hai gian nhà lớn liền nhau, gian nhà phía sau là nơi thờ phụng chính của miếu. Trong đình, phía trên thờ Thượng thiên thánh Mẫu, bậc thứ hai thờ Thần Hoàng, bậc thứ ba thờ cộng đồng.
Bên cạnh việc trùng tu, tôn tạo phần gốc tích xa xưa là ngôi miếu cổ. Các công trình phụ trợ khác đã được xây mới và hoàn thiện.
Theo lời kể của những hộ dân thôn Bàu 1, thì trong những năm tháng đất nước ta trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tại khu vực quần thể di tích miếu Bà, Hang Cây Lội là nơi trú ẩn, cất giấu vũ khí và diễn ra các cuộc sinh hoạt chi bộ Đảng của lực lượng cách mạng.
Miếu Bà với thời gian tồn tại khoảng 470 năm, bị bom đạn và thời gian vùi lấp, chỉ còn lại một phần gốc tích xưa cũ như ngôi miếu cổ bị hư hao, bức bình phong rêu phong và 2 cây cột trụ lớn. Đến mức nhiều người dân trong làng cũng không còn biết đến.
Sau ngày hòa bình thống nhất đất nước, con em xã Tiến Hóa bắt tay vào công cuộc lao động, học tập để góp sức kiến thiết quê hương. Số lượng con em quê hương thành danh, đỗ đạt từ học tập ngày càng nhiều, nhất là khu vực xung quanh miếu Bà.
Cuối năm 2015, một số con em trong làng làm cán bộ ở một số ngành trung ương, qua tìm hiểu sử liệu, biết quê hương có miếu thiêng nên tập hợp nhau, vận động thêm các nhà hảo tâm và bà con trong làng chung sức phục dựng lại miếu. Trong đó có sự kêu gọi, hỗ trợ của tướng Nguyễn Hữu Dánh cùng các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân địa phương.
Hiện nay, miếu Bà - Tam Thượng Linh Từ đã hoàn thành với diện tích xây dựng hơn 4.900m2, lớn hơn nhiều so với nền miếu cũ.
Nơi thờ phụng chính của miếu. |
Thực hư chuyện xây miếu không phép
Như đã đề cập ở trên, vấn đề cần làm rõ ở đây là công trình trên được trùng tu, tôn tạo và xây dựng một số hạng mục mới khi đủ điều kiện hay chưa.
Trao đổi với Phóng viên, ông Cao Văn Trúc - Chủ tịch UBND xã Tiến Hóa cho biết: “Miếu Bà là ngôi miếu cổ của làng Bàu, do dân thôn Bàu 1 quản lý, chưa có trong danh mục di tích văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, và hiện chúng tôi đang đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Quảng Bình công nhận là di tích văn hóa. Theo thời gian và nhiều yếu tố tác động, miếu đã bị xuống cấp”.
Năm 2015, một số con em trong làng làm cán bộ nhà nước và doanh nghiệp có tâm đã vận động thêm các nhà hảo tâm và nhân dân tại địa phương, cùng nhau đóng góp ngân sách, vật lực để thực hiện phương án trùng tu, tôn tạo miếu Bà.
Được biết, phần diện tích đất để xây dựng mở rộng miếu Bà đã được đưa vào điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tỉnh Quảng Bình với diện tích quy hoạch gần 0,5ha. Do đó, trên cơ sở đã được quy hoạch đầu, năm 2016 xã cho phép bà con dân cư tiến hành xây dựng trên cơ sở trùng tu nâng cấp, tôn tạo dựa trên nguồn lực xã hội hóa.
Trong thời gian khởi công xây dựng, đại diện cộng đồng dân cư trong thôn Bàu 1, cụ thể là trưởng thôn đã thực hiện các quy trình, thủ tục để xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng do đã lớn tuổi và còn thiếu hiểu biết trong việc thực hiện các thủ tục nên công tác xin cấp giấy chứng nhận kéo dài mãi đến tháng 3/2018 mới được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất số 194 thuộc tờ bản đồ số 42 với mục đích sử dụng đất tín ngưỡng. Thửa đất này được công nhận thuộc chủ sở hữu của cộng đồng dân cư thôn Bàu 1, xã Tiến Hóa.
Bên cạnh đó, khi được đề nghị cung cấp giấy phép xây dựng, để xác thực thông tin công trình thi công không phép thì ông Cao Văn Trúc thẳng thắn chia sẻ: Trước khi khởi công xây dựng, trùng tu công trình UBND xã Tiến Hóa đã hướng dẫn cộng đồng dân cư làm các thủ tục xin cấp phép xây dựng nhưng do quá trình thuê đơn vị tư vấn thiết kế tại huyện Tuyên Hóa cũng như các thủ tục hành chính khác cần có thời gian xử lý. Nên đơn vị thi công đã tiến hành trùng tu, tôn tạo miếu Bà trên cơ sở hiện trạng của di tích, sát với quy hoạch đã được phê duyệt. Quá trình thi công cũng diễn ra theo từng giai đoạn, ứng với nguồn vốn theo từng thời điểm được nhân dân quyên góp.
Về mặt giấy phép xây dựng, hiện đang thiếu sót, vì đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để xin cấp phép.
Nhũ đá hình tiên ông - một công trình được đầu tư xây dựng mới trong miếu Bà. |
Phủ nhận thông tin công trình của tướng Dánh
“Miếu Bà là công trình văn hóa tín ngưỡng cộng đồng, đóng góp từ mọi người, có sự giám sát của nhân dân chứ không xuất phát từ một cá nhân nào. Không có chuyện ông Dánh bỏ ra hàng chục tỷ đồng để xây dựng mà chủ yếu là kêu gọi về mặt tinh thần cùng với thôn, xã đứng ra kêu gọi chứ không phải ông Dánh chủ trì. Nếu ai đem tâm linh ra để kinh doanh thì ắt sẽ bị báng bổ.
Trước đây khi chưa lên cấp tướng, ông Dánh cũng đã về hỗ trợ tặng xe đạp cho trẻ em nghèo vượt khó, hỗ trợ tu sửa nghĩa trang trên địa bàn xã. Con em địa phương đi ra có điều kiện thì về hỗ trợ quê hương, góp phần xây dựng Nông thôn mới là điều thường thấy”, Chủ tịch UBND xã Tiến Hóa chia sẻ quan điểm.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu vực miếu Bà, do UBND xã Tiến Hóa quản lý. |
Từ những thông tin của nhân dân cung cấp và quan điểm của lãnh đạo chính quyền UBND xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình có thể thấy: Miếu Bà là công trình tín ngưỡng dân gian, đang được cộng đồng dân cư hỗ trợ nguồn vốn. Thi công, hoàn thiện khi chưa đủ điều kiện khởi công, mà cụ thể là chưa được cấp Giấy phép xây dựng.
Tác giả: PV
Nguồn tin: Báo Xây dựng