Nhiều nhà đầu tư không thực sự hiểu về Bitcoin mà chỉ đang "chạy theo" trào lưu? |
Dữ liệu từ website thống kê Merriam-Webster.com và Google Trends cho thấy kết quả tìm kiếm online về Bitcoin thường đột ngột tăng mạnh ngay trước khi thị trường tiền ảo tăng giá hoặc đổ dốc.
Từ khoá “bitcoin” cũng chỉ thực sự tăng mạnh trong dữ liệu tìm kiếm kể từ ngày 25/11/2017, lên mức kỷ lục vào trung tuần tháng 12, đại diện của công ty Merriam-Webster cho biết. Tuy nhiên vào cuối tuần trước, số lượt tìm kiếm đã giảm tới 48%, cho thấy rất nhiều nhà đầu tư đã kém mặn mà với tiền ảo và những thông tin liên quan.
Biểu đồ “lên xuống” này cũng hoàn toàn song song với quỹ đạo giá của Bitcoin, khi nó bắt đầu leo dốc vào khoảng ngày 25/11 rồi chạm ngưỡng cao nhất vào 18/12. Sau đó, Bitcoin liên tục mất giá, có thời điểm giảm chỉ còn hơn 5.000 USD, và nay đã hồi phục, duy trì ở mức 8.000 USD. Mặc dù vậy, giá trị của nó vẫn giảm tới hơn một nửa so với thời “đỉnh cao”.
Biểu đồ cho thấy số lượt tìm kiếm (đường màu xanh) cũng tăng song song cùng giá trị Bitcoin (đường màu cam). |
Trên một nền tảng khác là Google Trends cũng ghi nhận câu chuyện tương tự với từ khoá “Bitcoin” khi tỷ lệ người dùng tìm kiếm bắt đầu tăng mạnh vào cuối tháng 11, đạt mức cao nhất từ 3/12 đến 9/12. Sau đó, lượt người tìm kiếm đã giảm mạnh, và chỉ còn khoảng 1/4 vào thời điểm hiện nay.
"Việc tìm kiếm định nghĩa về bitcoin không nhất thiết có nghĩa là các nhà đầu tư không biết gì về tiền ảo”, biên tập viên của Merriam-Webster là Peter Sokolowski cho biết. “Tuy nhiên điều chắc chắn là chúng ta nên băn khoăn khi một từ được tìm kiếm trên Internet quá nhiều”.
Trên thực tế, có thể một nhà đầu tư thực sự hiểu rõ về Bitcoin sẽ không làm điều tương tự, mà tìm đến các sàn niêm yết giá Bitcoin như Coindesk, Coinmarketcap,… hoặc theo dõi tin tức trên các phương tiện truyền thông.
Sự bí hiểm của thị trường tiền ảo liên quan tới các nội dung như: “Ai là người đứng đầu quản lý Bitcoin”, “ai là người chịu trách nhiệm”, “giá của Bitcoin biến động là do đâu”, “tại sao Bitcoin tăng giá chóng mặt như vậy dù nó không có giá trị vật chất?”,… càng khiến đây trở thành chủ đề thu hút và ít người thực sự hiểu về nó.
Nhiều luận điểm thậm chí còn cho rằng Bitcoin thật ra được xây dựng trên hàng loạt “mô hình Ponzi” trên khắp thế giới, tức là trò vay tiền của người này để trả nợ người khác.
Trong đó, kẻ đi vay đưa ra cam kết trả lợi tức cao cho người cho vay và quảng cáo với họ về những tấm gương đã từng nhận được lợi tức cao trước đây để hấp dẫn người cho vay. Người cho vay bị hấp dẫn bởi lợi tức cao lại thậm chí giới thiệu những người cho vay mới hơn.
Bằng hình thức này, kẻ đi vay càng ngày càng vay được những khoản tiền lớn hơn từ nhiều người cho vay mới hơn, và đây cũng là cách mà Bitcoin tiếp tục nhân rộng cả về giá trị và lượt tương tác. Điển hình trong đó phải kể tới vụ việc hồi tháng 10/2017 khi người ta phát hiện ra mức giá tăng của Bitcoin ở Châu Phi thực ra bị chi phối bởi “trò ponzi” của một gã trùm người Nga.
Nhiều nhà đầu tư tin rằng biến động giá của Bitcoin thật ra chỉ là trò chơi của một tổ chức lớn ẩn danh nào đó. |
Từ “Bitcoin” lần đầu tiên được sử dụng vào năm 2008, nhưng các biên tập viên của Merriam-Webster mới chỉ đưa nó vào dữ liệu từ điển vào năm 2016. Trước đó, từ “cryptocurrency” (tiền ảo) cũng lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1990, nhưng chỉ mới xuất hiện trong từ điển vào năm 2017. Blockchain thậm chí còn chưa có trong dữ liệu cuả Merriam-Webster.
“Đây là một điều hết sức bình thường, vì từ ngày xưa, các nhà nghiên cứu từ điển vẫn đôi khi bỏ ra hàng thập kỷ để nghiên cứu một từ trước khi thêm nó vào từ điển”, Peter Sokolowski nói.
Từ điển trực tuyến của Merriam-Webster hiện đang đón nhận 1,25 tỷ lượt xem mỗi năm, và dữ liệu được tìm kiếm trong thời gian thực của nó thường phản ảnh đúng những sự kiện đang nằm trong tâm điểm của dư luận, điển hình như như các từ khoá liên quan tới “nữ quyền”, “lỗ hổng”, hay cụ thể trong bài viết là Bitcoin.
Tác giả: Nguyễn Nguyễn
Nguồn tin: Báo Dân trí