Em Đinh Thị Mấy (sinh 1998, dân tộc Hrê) là con của anh Đinh Chúc (sinh 1977) và chị Đinh Thị Mùng (sinh 1979), trú thôn Gò Chè, xã Long Sơn, huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi. Mấy hiện đang được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – chống độc (Bệnh viện Đà Nẵng).
Tiếng nói trọ trẹ, không được lưu loát như người Kinh, anh Chúc - cho biết, vợ chồng anh có hai người con. Trước Mấy là chị gái năm nay 22 tuổi và đã nghỉ học, ở nhà phụ bố mẹ làm nông. Vợ chồng anh Chúc chủ yếu làm rẫy, trồng mì, đủ sống qua ngày.
Mấy bị suy nhược cơ nên cần phải thay huyết tương nhiều lần mới cứu được tính mạng |
Năm 2015, khi Mấy đang học lớp 11 thì thấy đau họng, khó nuốt nên gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi điều trị. Sau thời gian điều trị 2 tuần thấy đỡ nên được xuất viện về nhà. Thời gian sau, Mấy lại bị nên gia đình đưa ra Bệnh viện Đà Nẵng tiếp tục điều trị.
Vào Bệnh viện Đà Nẵng, các bác sĩ chẩn đoán Mấy bị suy nhược cơ. Với bệnh này, cần phải thay huyết tương thường xuyên. Dù khó khăn nhưng gia đình anh Chúc vẫn cố gắng vay mượn để chữa bệnh cho con. Tuy nhiên, thay huyết tương được một thời gian ngắn thì Mấy lại phải nhập viện và tiếp tục thay huyết tương. Cứ thế, khi nào khỏe thì về nhà, bệnh tái phát lại vào viện thay huyết tương. Tính đến nay Mấy đã được thay huyết tương 10 lần.
Những đợt trước, Mấy nằm viện thời gian ngắn rồi về nhưng đợt này, nằm viện từ Tết ra đến giờ chưa được về. Vợ chồng anh Chúc cũng phải bỏ đồng ruộng, nương rẫy để ra viện chăm con.
Hiện Mấy đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng |
“Tiền thay huyết tương thì vay mượn anh em, bà con. Còn tiền ăn thì đã có cơm, cháo từ thiện ở bệnh viện”, anh Chúc nói.
Theo anh Chúc, thời gian đầu, bệnh chưa nặng nên Mấy cũng đi học được. Mấy cũng đã đăng ký thi đại học nhưng anh Chúc nói mình không biết con thi khối gì, ngành gì.
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Nguyễn Văn Đồng (khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đà Nẵng) - cho biết, bệnh nhân Mấy được chẩn đoán là nhược cơ, vào viện điều trị cuối năm 2016, sau đó ra viện và đầu năm 2017 nhập viện trở lại. Mấy đã được thay huyết tương, mỗi đợt thay 2 – 3 lần. Sau khi thay huyết tương, bệnh nhân có thể tự thở được khoảng 1- 3 tuần, không cần phải thở máy.
“Bây giờ, nếu cứ thay huyết tương như vậy thì không thể cải thiện được mà cần thay 5 – 6 lần/đợt. Sau khi phục hồi được thì sẽ phẫu thuật cắt tuyến ức để sau này bệnh không tái phát. Tuy nhiên, chi phí mỗi lần thay khá tốn kém, khoảng 6,5 triệu đồng/lần. Mấy lần đầu thay, họ đều phải vay mượn tiền nhưng họ là người dân tộc mà cứ ở đây miết nên cũng không có tiền”, bác sĩ Đồng nói.
Theo bác sĩ Đồng, hiện giờ Mấy tỉnh táo hoàn toàn nhưng bị liệt toàn thân phải nằm một chỗ.
Anh Chúc lo lắng vì không biết lấy đâu ra tiền để chữa bệnh cho con gái |
Vợ chồng anh Chúc là người dân tộc Hrê, chỉ bám vào mấy sào rẫy để sống. Bây giờ con gái bị bệnh, họ phải bỏ ruộng đồng để xuống viện chăm con. Con ăn hàng ngày thì sống nhờ các đoàn từ thiện, còn tiền chữa bệnh cho con họ chưa biết phải tính thế nào. Con gái anh rất cần sự giúp đỡ của những tấm lòng để có thể chữa bệnh, trở lại cuộc sống bình thường và tiếp tục theo đuổi ước mơ đến trường của mình.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 2559: Anh Đinh Chúc (trú thôn Gò Chè, xã Long Sơn, huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi) ĐT: 01627. 355.534 |
Tác giả: Khánh Hồng
Nguồn tin: Báo Dân trí