|
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 01/01/2018 chỉ cho phép các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng E5 RON92 và xăng khoáng RON95 trên thị trường, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, giảm tỷ lệ phụ thuộc vào xăng khoáng, cải thiện môi trường.
Như vậy, kể từ đầu năm sau, xăng khoáng RON 92 sẽ chính thức bị “khai tử” để thay thế bằng xăng sinh học E5. Và ở góc độ người tiêu dùng, băn khoăn vẫn được nhắc tới nhiều nhất tại thời điểm này chính là chất lượng của loại xăng này có đảm bảo không hay việc nếu đang sử dụng xăng khoáng mà chuyển sang xăng sinh học thì ảnh hưởng như thế nào tới máy móc, động cơ.
Chưa có khiếu kiện gì về chất lượng xăng E5
Phát biểu tại Tọa đàm trực tuyến về xăng sinh học do Báo Công Thương tổ chức mới đây, PGS Phạm Hữu Tuyến - Viện Cơ khí Động lực - Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, lo ngại việc sử dụng xăng sinh học E5 sẽ phải cải tiến động cơ, bởi cồn trong xăng sẽ làm oxy hóa các chi tiết của máy, dẫn tới hư hỏng là không chính xác.
Theo PGS Phạm Hữu Tuyến, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ - Viện Dầu khí Việt Nam đã thử nghiệm ngâm các chi tiết máy trong bồn nhiên liệu sinh học 1.500 giờ. Kết quả cho thấy các chi tiết máy không thay đổi so với trước khi ngâm. Do đó, động cơ không hề bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu sử dụng nhiên liệu lớn hơn 10% ethanol thì phải cải tiến hệ thống chế hòa khí của động cơ.
“Không có bất cứ ảnh hưởng gì đến động cơ, máy móc khi chuyển đổi sử dụng từ xăng truyền thống sang xăng sinh học E5. Có thể trộn 2 loại xăng trên theo bất kỳ tỷ lệ nào vào bình chứa xăng của xe, bởi xăng sinh học E5 có tính tương thích tốt”, PGS Phạm Hữu Tuyến khẳng định.
Theo ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, đến nay, Tổng cục đã chỉ định tổng cộng 14 tổ chức đánh giá sự phù hợp. Số doanh nghiệp pha chế xăng E5 được đánh giá đáp ứng yêu cầu là 20 doanh nghiệp trên cả nước.
Trước đó, tại buổi làm việc cùng đại diện các thương nhân đầu mối xăng dầu, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phía Bắc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, từ khi xăng E5 triển khai tại 7 tỉnh (cuối năm 2014) đến nay, không có bất cứ khiếu kiện gì của người tiêu dùng chứng tỏ xăng E5 rất an toàn cho động cơ.
“Về điều này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có kiểm định, xác nhận. Hiện nay, xăng sinh học E5 được bán 100% tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cần Thơ, Đà Nẵng và nhận được phản hồi tốt từ phía người tiêu dùng”, Thứ trưởng cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) khẳng định tính tất yếu của việc chuyển đổi xăng khoáng sang xăng sinh học, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch. Đây là xu hướng tất yếu mà các nước trong khu vực và trên thế giới đã triển khai.
Theo ông Cường, tại Việt Nam, Chính phủ đã có lộ trình chuẩn bị từ nhiều năm trước (từ 2014), đến nay, sự chuyển đổi là bắt buộc, thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, tạo đầu ra cho nông sản và thiết thực bảo vệ môi trường.
“Cùng với sự chênh lệch về giá (hiện xăng E5 có mức giá ưu đãi hơn từ 1.000 - 1.200 đồng/lít) và tính an toàn cao của E5 đối với động cơ, người dân sẽ ngày càng tin tưởng và lựa chọn xăng E5 nhiều hơn”, ông Cường cho biết.
Yên tâm về nguồn cung
Liên quan tới nguồn cung xăng sinh học, ông Cường cho biết, đến tháng 1/2018, cả nước có 3 nhà máy và hết quý I/2018 sẽ tăng lên 4 nhà máy cung cấp E100, đáp ứng đủ nhu cầu cho thị trường.
“Hiện, thị trường nguồn cung rất "mở", các đầu mối kinh doanh E5 có thể mua từ các nhà máy trong nước hoặc nhập khẩu trong khu vực và trên thế giới, mức giá tương đương. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính phối hợp, xem xét mức thuế rất kỹ, tránh hiện tượng độc quyền, thao túng thị trường”, ông Cường cho biết.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex cho biết, những tháng cuối năm 2017, sản lượng xăng E5 bán ra tại các cửa hàng đã tăng dần đều, phản ứng của người tiêu dùng cải thiện dần. Đây là tín hiệu tốt giúp việc chuyển đổi kinh doanh E5 của Tập đoàn sớm hơn lộ trình của Chính phủ khoảng 15 ngày thuận lợi hơn.
Cũng trao đổi về nguồn cung xăng sinh học, trước đó, ông Vũ Kiên Chỉnh - Tổng giám đốc Công ty TNHH Tùng Lâm kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội nhiên liệu sinh học Việt Nam cho biết, về tình hình sản xuất E100, hiện có 02 nhà máy đang hoạt động là Nhà máy Ethanol Đồng Nai (sản lượng 6.000 m3/tháng) và Nhà máy Ethanol Quảng Nam (sản lượng 10.000 m3/tháng). Ngoài ra, có 02 nhà máy đang chuẩn bị sản xuất là Nhà máy Ethanol Bình Phước (dự kiến 15/01/2018 vận hành sản xuất) và Nhà máy Ethanol Dung Quất (dự kiến tháng 3/2018 vận hành sản xuất).
“Như vậy, đến giữa tháng 01/2018, với 3 nhà máy hoạt động sẽ sản xuất khoảng 20.000. - 25.000 m3/tháng thì vẫn đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Khi Nhà máy Ethanol Dung Quất hoạt động lại có thể cung cấp thêm 6.000 – 7.000 m3/tháng, đến lúc đó, có thể hoàn toàn yên tâm về lượng E100”, ông Chỉnh cho biết.
Ngoài ra, hiện Công ty TNHH Tùng Lâm đã làm việc với các đối tác để hoàn thiện hệ thống logistics (kho chứa, phương tiện vận chuyển đường bộ, đường thủy) đảm bảo tối đa nguồn cung E100 cho các đơn vị kinh doanh xăng dầu đầu mối.
Tác giả: Phương Dung
Nguồn tin: Báo Dân trí