Gần 2 cái Tết kể từ ngày xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển, hơn 250 tấn hải sản nguyên liệu làm mắm chượp của cơ sở chế biến nước mắm Huỳnh Kế tại thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị vẫn nằm im trong kho.
Bà Lê Thị Huỳnh, chủ cơ sở nước mắm Huỳnh Kế phàn nàn, sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, Đoàn công tác liên ngành cùng chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm tra, xác định số lượng hải sản tồn đọng, niêm phong lô hàng chờ xử lý.
Thế nhưng, đến khi niêm yết công khai danh sách để lấy ý kiến của người dân trước lúc chi trả tiền bồi thường thì người dân phản đối, khiếu nại.
Hiện 250 tấn hải sản nguyên liệu làm nước mắm tồn kho lâu ngày đã hư hỏng, thiệt hại tiền tỷ nhưng gia đình bà Lê Thị Huỳnh vẫn chưa nhận được đồng tiền bồi thường nào.
|
Hai thành viên tổ rà soát, đại diện cho cử tri thôn Hà Kiên đưa ra các tài liệu, văn bản, chỉ rõ sai phạm của cán bộ, thôn xã Hàm Ninh.
Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, đến nay, tỉnh đã tạm cấp hơn 1.032 tỷ đồng cho những địa phương bị thiệt hại.
Các địa phương đã chi trả 1.018 tỷ đồng, trong đó có 100 tỷ đồng được chuyển vào tài khoản tạm giữ để chờ một số đối tượng đi làm ăn xa về nhận.
Hiện vẫn còn gần 1.300 tấn hải sản đã niêm phong nhưng chưa được chi trả bồi thường.
Vì sao xảy ra tình trạng này?. Ông Nguyễn An Tư, cán bộ phụ trách công tác chi trả tiền bồi thường sự cố môi trường biển UBND thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh cho biết, trong mẫu kê khai yêu cầu ghi rõ ngày, tháng giao dịch hải sản của người mua, người bán và được địa phương xác nhận.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương không quản lý việc xuất, nhập hải sản của các cơ sở này nên không thể xác nhận.
Theo quy định, danh sách chi trả tiền bồi thường phải được công khai và người dân xác nhận. Trước đó, khi Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh, huyện về kiểm tra hàng hải sản các cơ sở lại không mời đại diện người dân tham dự nên bây giờ bà con không có căn cứ để xác nhận.
Ông Lê Ánh Minh (người dân ở khu phố An Hòa 2, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh) thắc mắc: "Khi anh kiểm tra mà không có sự giám sát của người dân. Đến lúc đền bù thì mời người dân chứng kiến thì quá tù mù, người ta có chứng kiến đâu mà bắt người ta ký vào giấy chứng nhận cho các cơ sở, cái đó là không đúng".
Ông Nguyễn Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho rằng, trước đây theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc kê khai đối tượng thiệt hại, toàn tỉnh có hơn 1.500 tấn hải sản tồn kho.
Đến nay, tỉnh mới bồi thường thiệt hại hơn 200 tấn hải sản, gần 1.300 tấn còn lại, chủ yếu là mắm chượp nguyên liệu, mắm chượp thành phẩm, ruốc đặc... không thuộc các đối tượng được bồi thường theo quy định.
Theo ông Nguyễn Văn Huân, đối với các cơ sở hải sản đông lạnh có hàng tồn kho không chứng minh được thời điểm thu mua trước 30/8/2016 thì không được giải quyết bồi thường.
"Về hải sản tồn kho để xác định đúng trong thời gian mua trước 30/8/2016 thì rất khó. Trường hợp không có giấy tờ chứng minh được nguồn gốc, tồn kho trước 30/8/2016 thì phải có người dân xung quanh, tổ dân phố lấy ý kiến và xác nhận vào. Còn chứng minh được nguồn gốc chỉ cần đến xã đem theo hồ sơ và hội đồng của xã sẽ xác nhận cho họ", ông Huân nói.
Trong khi tỉnh Quảng Trị còn nhiều vướng mắc trong việc chi trả tiền đền bù sự cố môi trường biển thì tại tỉnh Quảng Bình, có nơi lại xảy ra một số sai phạm trong quá trình tổ chức thực hiện.
Mới đây, bà con thôn Hà Kiên, xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình rất bất bình khi biết 11 gia đình được bầu chọn hưởng chính sách bồi thường không đúng quy định.
Những người này nằm trong danh sách nghề đánh bắt đơn giản như mò cua, bắt ốc lại được cán bộ thôn và xã Hàm Ninh chuyển sang nghề đánh bắt có phương tiện trên sông để hưởng số tiền đền bù cao hơn gấp nhiều lần.
Ông Hoàng Đình Quang, thành viên tổ rà soát, xác định thiệt hại ở thôn Hà Kiên cho biết, qua nhiều lần họp tổ, thôn, người dân đều biểu quyết 11 đối tượng này làm nghề đánh bắt đơn giản, phản đối việc họ được hưởng chính sách theo Quyết định 1880 của Thủ tướng Chính phủ về định mức bồi thường thiệt hại cho đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển.
Ông Hoàng Đình Quang giải thích: "Đến lúc họp dân thì dân phản đối, dân chúng tôi ký hơn 50 chữ ký đi kiến nghị huyện, tỉnh. Tổ gồm 13 người ký vào biên bản không đủ điều kiện xét duyệt 1880 qua 2 cuộc họp. Có một cuộc họp đưa ra dân thì bị phản đối, cách làm của cán bộ không đúng".
Bức xúc trước việc cán bộ thôn, xã cố ý làm trái quy định, có dấu hiệu trục lợi, người dân phản ánh, gửi đơn khiếu nại, tố cáo lên các cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, cho đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cũng nhận trách nhiệm trước người dân vì sự chậm trễ khi giải quyết khiếu nại, tố cáo của bà con.
"Gần đây, Ủy ban nhân dân huyện đã giao cho Thanh tra huyện để thanh tra lại các bước quy trình tiến tới chi trả tiền cho 11 hộ dân. Hiện nay Thanh tra đang làm việc, nếu thực sự những đối tượng đó không đúng thì sẽ thu hồi. Và những người làm sai, nếu có, thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật", ông Đông quả quyết.
Việc chi trả tiền đền bù do ảnh hưởng sự cố môi trường biển đã được Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt, hoàn thành dứt điểm vào năm 2017. Thế nhưng cho đến nay, 2 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị vẫn còn nợ người dân vùng bị thiệt hại.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Nổi cộm là một số cán bộ cơ sở còn lúng túng, thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.
Tại tỉnh Quảng Trị, ở một số nơi, danh sách đối tượng được đền bù vẫn còn trong thời gian niêm yết công khai lấy ý kiến người dân.
Mặt khác, nhiều đối tượng khiếu kiện, khiếu nại yêu cầu được chi trả bồi thường nhưng không thuộc diện bồi thường theo quy định nên chính quyền địa phương mất nhiều thời gian giải thích.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, sau khi cân đối nguồn kinh phí được Chính phủ tạm cấp và nhu cầu bồi thường hỗ trợ, thiệt hại cho người dân, tỉnh Quảng Trị còn khoảng 20 tỷ đồng chưa sử dụng.
"Do một số người dân không hiểu hết các văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương và của Chính phủ nên dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện. Để giải quyết xong khiếu nại, khiếu kiện nên tiến độ chi trả chậm. Trách nhiệm là do những nguyên nhân như trên, còn cán bộ thì ban đầu còn lúng túng nhưng đến bây giờ thì đã nắm bắt được, và đây là cán bộ làm kiêm nhiệm cho nên không thể đảm bảo hoàn hảo được mà có những tồn tại như thế", ông Đồng cho hay.
Sự cố môi trường biển xảy ra ở 4 tỉnh Bắc miền Trung gây hậu quả nặng nề trong đời sống người dân. Chính phủ đã vào cuộc và sớm ổn định cuộc sống của bà con vùng bị thiệt hại.
Tuy nhiên, tại một số địa phương, dù đã qua nhiều lần ra soát, điều chỉnh và gần 2 cái Tết trôi qua nhưng việc chi trả tiền bồi thường sự cố môi trường biển vẫn còn dang dở. Hàng chục tỷ đồng nằm im trong kho bạc, còn người dân lại mệt mỏi vì chờ đợi quá lâu./.
Tác giả: Nhóm PV
Nguồn tin: Báo VOV