Tỉnh Quảng Bình hiện có 150 hồ đập lớn nhỏ, dung tích chứa từ 10- 80 triệu m3 nước phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân và điều tiết lũ trong mùa mưa bão. Sau nhiều năm đưa vào sử dụng, nhất là trải qua nhiều đợt mưa lũ với cường độ mạnh, các công trình hồ, đập này đã xuống cấp nghiêm trọng.
Đe dọa vùng hạ du
Hồ chứa Phú Vinh có diện tích lưu vực 38 km2, dung tích 22,36 triệu m3 nước, được xây dựng từ năm 1992 trên địa bàn xã Thuận Đức và một phần phường Đồng Sơn, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, xung quanh có hàng trăm hộ dân sinh sống, sản xuất. Bao năm nay, hồ Phú Vinh là đầu mối chính trong việc cung cấp nước cho TP Đồng Hới và góp phần tiêu úng, chống hạn cho nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, thân đập bị sụt lún phải gia cố bằng rọ đá; cửa xả tràn có nhiều mảng bê tông mục, rỗng rơi rớt, lộ rõ sắt thép đã hoen gỉ.
Đập An Mã ở xã Văn Thủy, huyện Lệ Thủy mức độ xuống cấp cũng không kém. Đập được xây dựng năm 1999, dung tích khoảng 64 triệu m3 và diện tích mặt hồ gần 3.000 ha. Đây là đập chứa lớn nhất tỉnh Quảng Bình nằm ở đầu nguồn sông Kiến Giang, chuyên cấp nước tưới tiêu cho hàng trăm hecta hoa màu ở huyện Lệ Thủy. Qua nhiều năm đưa vào sử dụng, thân đập bị xói mòn, sụt lún rất nguy hiểm. "Hễ mưa bão là chính quyền phải khẩn cấp di dời dân. Nếu không tu bổ kịp thời, đập vỡ sẽ đe dọa hàng trăm hộ dân sống dưới hạ du" - ông Nguyễn Văn Anh, sống gần đập An Mã, lo lắng.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình còn có khoảng 16 hồ chứa nước, 6 đập dâng và hàng chục đê kè có nguy cơ mất an toàn cao. Đập Thượng Mỹ Trung và hồ chứa Điều Gà (huyện Quảng Ninh) là những công trình thủy lợi trọng điểm, được đưa vào sử dụng khoảng đầu thập niên 1980, giờ được xếp vào diện "lão hóa", không biết "qua đời" lúc nào khi nhiều mảng bê tông chực ngã đổ, một số cửa xả tràn hư hỏng hoàn toàn...
Hồ chứa nước Phú Vinh đã xuống cấp nghiêm trọng |
Thiếu kinh phí
Ông Nguyễn An Tư, Phó Giám đốc Công ty Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh Quảng Bình, cho biết đơn vị này quản lý 17 hồ, đập có dung tích từ 3 triệu m3 trở lên, hầu hết đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp để bảo đảm tích nước, phòng lũ. Số còn lại do các xã, phường quản lý và đã xuống cấp.
Trong đó, nghiêm trọng nhất là công trình hồ chứa Thượng Mỹ Trung khi cống ngăn mặn giữ ngọt có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào. Nếu xảy ra sự cố vỡ đập này thì sẽ gây nhiễm mặn cho khoảng 20.000 ha lúa của 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy.
Theo ông Nguyễn Thành Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Bình, với các hồ, đập lớn do Công ty Khai thác công trình thủy lợi quản lý, đề nghị chủ đập xây dựng một quy trình điều tiết, vận hành ngăn lũ, xả lũ có khoa học và trách nhiệm. Còn các hồ, đập do địa phương quản lý phần lớn đang trong tình trạng "tuổi cao sức yếu" nhưng thiếu đầu tư, cải tạo, nâng cấp nên khả năng chống chịu với bão, lũ kém.
"UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện sửa chữa lại các hồ đập để bảo đảm tích nước. Tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí, kêu gọi các tổ chức, nhà tài trợ tiếp tục nâng cấp, sửa chữa. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thì tranh thủ các nguồn lực để từng bước khôi phục, nâng cấp hồ, đập theo tiêu chuẩn để bảo đảm an toàn cho người dân vùng hạ du" - ông Long cho biết.
Tác giả: Minh Tuấn
Nguồn tin: Báo Người lao động