Cho đến thời điểm hiện tại, ghế chủ tịch Liên đoàn bóng đá Malaysia (FAM) đang bị bỏ trống. Sau sự rút lui của chủ tịch gần nhất, hoàng tử Tunku Ismail Ibrahim của bang Johor, bóng đá xứ Mã chưa có chủ tịch mới kế vị ở FAM.
Người tiền nhiệm của ông Tunku Ismail Ibrahim là hoàng thân Ahdullah Ahmad cũng từng phải rút lui khỏi cương vị chủ tịch FAM, vì sự yếu kém kéo dài của đội tuyển Malaysia.
Tức là sự khủng hoảng và suy yếu của bóng đá Malaysia trong vài năm trở lại đây là sự khủng hoảng và suy yếu có hệ thống, xuất phát từ khâu quản lý yếu kém nơi thượng tầng, khiến cho thành tích của các đội tuyển bóng đá Malaysia, ở các giải đấu quốc tế yếu kém kéo dài.
Bóng đá Malaysia mấy năm gần đây không đạt được thành tích đáng chú ý ở đấu trường quốc tế |
Mấy năm qua, nói đến bóng đá Malaysia, người ta thường nghĩ ngay đến tình trạng hooligan ngày một hoành hành, trong khi thành tích của các đội tuyển rất bết bát. Đội tuyển U23 và U22 Malaysia bị loại ngay ở vòng bảng các kỳ SEA Games 28 và 29, năm 2015 và 2017.
Riêng năm 2016, đội tuyển quốc gia Malaysia bị loại ở vòng bảng AFF Cup, cũng như thi đấu yếu kém ở vòng loại World Cup 2018, thậm chí có trận còn bị xử thua Saudi Arabia, do các hooligan gây rối ở sân Shah Alam (thuộc bang Selangor).
HLV của đội tuyển Malaysia hiện nay là ông Tan Cheng Hoe, một gương mặt khá mới đối với làng cầu Đông Nam Á.
Hồi tháng 1 năm nay, đội U23 Malaysia bất ngờ vào tứ kết giải U23 châu Á. Tuy nhiên, so với thành tích vào chung kết của đội tuyển U23 Việt Nam cũng tại giải đấu đấy, U23 Malaysia chưa khiến đối thủ cùng trang lứa của chúng ta cảm thấy đáng ngại.
Ở trận đấu với Lebanon hồi cuối tháng 3, tại vòng loại Asian Cup 2019, Malaysia sử dụng đến 12 cầu thủ trong lứa U23 vừa nêu. Nên nếu nghiên cứu về đối thủ này, HLV Park Hang Seo của đội tuyển Việt Nam có thể tham khảo băng hình về đội tuyển U23 Malaysia tại giải U23 châu Á 2018.
Ở kỳ AFF Cup gần nhất, đội tuyển Việt Nam từng thắng Myanmar |
Đội bóng khác, về lý thuyết sẽ là đối thủ chính tranh vé vào bán kết với đội tuyển Việt Nam tại bảng A là Myanmar. Đội này cũng có thay đổi lớn trong khu kỹ thuật, khi HLV nội Zaw Win Tun thay thế chiến lược gia người Đức Gerd Zeise.
Sau nhiều năm chuẩn bị lực lượng, Myanmar hiện nay có đội hình bổ khuyết cho nhau rất tốt. Họ vừa sở hữu các cầu thủ trẻ trung, giàu nhiệt huyết, vừa có những cầu thủ nhiều kinh nghiệm, giống với đội tuyển Việt Nam.
Nhóm cựu binh dày dạn kinh nghiệm có hậu vệ Win Min Htut, tiền vệ đội trưởng Aung Kyaw, Tin Win Aung, kết hợp với lứa tài năng mới của Sithu Aung, Aung Thu và Than Paing.
Dù vậy, điểm yếu cố hữu của các đội bóng Myanmar là hơi cứng nhắc về mặt chiến thuật, công giỏi hơn thủ, thi đấu phụ thuộc nhiều vào cảm tính, và khả năng điều tiết nhịp điệu cũng như lối chơi không linh hoạt.
Vả lại, trong số các đội bóng thuộc nhóm khá trở lên ở khu vực Đông Nam Á, Myanmar có lẽ là đội mà các đội tuyển Việt Nam ít ngại nhất, vì thường thắng nhiều hơn thua.
Còn với Lào và Campuchia, 2 đội này dù có tiến bộ, nhưng đó là tiến bộ so với chính họ. Chứ khi so với đội tuyển Việt Nam, cả Lào và Campuchia vẫn còn khoảng cách nhất định.
Tác giả: Kim Điền
Nguồn tin: Báo Dân trí