Giáo dục

Sinh viên sở hữu tài sản trường ĐH: Quá khó hiểu!

Quy định tài sản của các trường ĐH từ các nguồn không phải do nhà nước đầu tư được sở hữu cộng đồng, bao gồm người học, được cho là không hợp lý, khó hiểu

Tại hội thảo góp ý Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục ĐH diễn ra sáng 21-9 tại TP HCM, TS Đoàn Thị Phương Diệp (Trường ĐH Kinh tế - Luật) cho rằng điều quan trọng với ĐHQG không phải là chịu sự quản lý của cơ quan nào mà được trao quyền tự chủ ra sao để trở thành đầu tàu trong các cơ sở giáo dục Việt Nam.

Đề xuất cơ chế riêng cho ĐHQG

Theo bà Diệp, cần có các quy định riêng để ĐHQG có quyền tự chủ rộng rãi hơn so với các trường ĐH khác trong việc xây dựng chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế… "Dự luật này vẫn đánh đồng ĐHQG với các ĐH khác như ĐH vùng, khiến vai trò của ĐHQG trong hệ thống giáo dục bị lu mờ" - bà Phương Diệp nói.

Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Văn Áng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, không đồng ý với hướng mở ra cơ chế riêng cho ĐHQG mà cần giữ nguyên nội dung này như dự thảo. Quy định theo dự thảo mới là công bằng, bình đẳng, đơn vị nào đạt tiêu chuẩn mới có được danh xưng ĐH chứ không phải là danh xưng được nhà nước ban phát.

PGS-TS Nguyễn Văn Áng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, phát biểu tại hội thảo

Ngoài ra, PGS Áng cũng cho rằng quy định các trường ĐH tư thục phải thành lập các tổ chức kinh tế trước khi thành lập trường là không cần thiết. "Hầu như không thấy vai trò, bóng dáng của tổ chức kinh tế này trong quá trình hoạt động của trường ĐH thì chúng ta quy định để làm gì?" - ông nói. Nếu quy định nhằm tách tài chính ra khỏi công tác đào tạo cũng không cần thiết vì việc trường ĐH thu lợi nhuận từ học phí để đào tạo ra đội ngũ nhân lực cho xã hội là hoàn toàn chính đáng, phù hợp quy định pháp luật.

Về quy định quản lý và sử dụng tài sản các trường ĐH, TS Đoàn Thị Phương Diệp nhận định dự thảo quy định tài sản của các trường ĐH ngoài công lập từ các nguồn không phải nhà nước đầu tư được sở hữu cộng đồng, bao gồm người học hoàn toàn không hợp lý, khó hiểu. Việc thừa nhận người học là chủ sở hữu tài sản sẽ nảy sinh rất nhiều rắc rối phát sinh trong tương lai. Một khi có tư cách chủ sở hữu, dù là tài sản chung, người chủ sẽ chỉ mất quyền sở hữu khi nhượng cho người khác, từ bỏ quyền sở hữu khi tài sản không còn hoặc bị tịch thu… Khi vào trường và trở thành chủ sở hữu chung, người học sẽ tiếp tục là chủ sở hữu tài sản sau khi ra trường, thậm chí sau khi chết có thể chuyển quyền sở hữu chung đó cho những người thừa kế. Ở các nước, khi có truyền thống cho, tặng thì tài sản trong trường ĐH thuộc sở hữu của một thực thể có pháp lý độc lập là quỹ tín thác. Khá nhiều đại biểu đồng tình với ý kiến của TS Diệp.

Cần cải cách tài chính

Theo Nhà giáo Nhân dân - GS Phạm Phụ, Trường ĐH Bách khoa TP HCM, để nền giáo dục ĐH vươn lên tầm thế giới, việc làm đầu tiên là cải cách tài chính. Hiện nay, ngân sách giáo dục không thể tăng thêm nữa, do ưu tiên cho giáo dục phổ cập nên giáo dục ĐH chỉ chiếm phần nhỏ (khoảng 10%). "Do đó, các trường dứt khoát phải đi trên con đường tăng học phí. Nếu thực hiện điều này mà chưa có sự chuẩn bị, giáo dục ĐH sẽ mất cân bằng. Thế giới giải quyết vấn đề này bằng quỹ tín dụng sinh viên, tăng tỉ lệ ĐH tư thục. Tuy nhiên, bộ luật hoàn toàn bỏ trống điều này trong khi vấn đề về giáo viên, sinh viên lại được đề cập quá chi tiết" - GS Phụ nói.

GS Phạm Phụ cũng lưu ý Bộ GD-ĐT về những hướng dẫn cụ thể hội đồng trường và tự chủ ĐH do hiện nay có nhiều khúc mắc. Ông đề cao quy định về việc trường ĐH muốn tự chủ phải có hội đồng trường, cho rằng đây là điểm tiến bộ trong dự thảo luật. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT nên có một văn bản dưới luật rõ ràng hơn về vấn đề này để tránh khúc mắc khi áp dụng cho các đơn vị đặc biệt.

GS Phụ cũng đề xuất nhà nước cần có chính sách mạnh mẽ để nhanh chóng phát triển ĐH tư thục lên con số 40% như mục tiêu đưa ra trước đây (hiện tại chỉ mới khoảng 15%). Có như vậy mới bớt ngân sách cho ĐH công lập, từ đó các trường tăng học phí, các quỹ tín dụng cho sinh viên được mở rộng hơn…

Không nên áp chế số tiết dạy

Nhiều đại biểu cho rằng dự thảo áp chế số tiết dạy của giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng bằng Bộ Luật Lao động với tối đa 300 tiết/ năm là không hợp lý. Điều này sẽ làm giờ làm việc thực của giảng viên thấp đi, ảnh hưởng thu nhập của họ, trong khi các trường phải tuyển thêm giảng viên, gây lãng phí.

Tác giả: LÊ THOA

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP