Ki-ốt bán hàng ngoài chợ giữ khoảng cách phòng dịch. Ảnh: H.C |
Rau “cháy” hàng, giá tăng vọt
Chị Thu Trang (ngụ Q.6, TPHCM) than thở, từ ngày đóng chợ tạm, chị mua thực phẩm vất vả hơn trước. “Siêu thị tiện lợi gần nhà chỉ cho mỗi lượt 2-3 người vào mua sắm, mình xếp hàng dài đợi hơn 30 phút vẫn chưa đến lượt. Còn chợ truyền thống cách nhà hơn 2 cây số, mình lại không biết đi xe nên chuyện chợ búa vô cùng khó khăn” - chị Trang nói.
Chị Bảo Trân (28 tuổi), công nhân một xưởng may ở Q.Tân Bình (TPHCM) cho biết: “Nhiều tiểu thương sợ dịch nên cũng nghỉ bán khiến hàng hóa ở chợ không phong phú, nhiều mặt hàng hết sớm như rau xanh. Chợ truyền thống gần nhà chỉ nhóm họp từ sáng đến trưa là vãn; trong khi mình chỉ có thể ghé chợ lúc chiều tối nên gần như không mua được gì”.
Không chỉ ít hàng hóa, nhiều mặt hàng rau củ tại chợ truyền thống còn tăng giá đột biến từ 30-50% so với đầu tuần trước. Khảo sát giá ở một số chợ truyền thống như chợ Bà Hoa, Tân Định, Bà Chiểu… tiểu thương thừa nhận giá cao hơn do hạn chế nguồn cung, như dưa leo có giá 35.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg), bầu bí có giá 30.000 đồng/kg (tăng 15.000 đồng/kg), nhiều loại rau xà lách có giá hơn 60.000 đồng/kg (tăng 20.000 đồng/kg), các loại rau củ quả khác cũng có mức tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg so với vài ngày trước.
Bà Thảo, tiểu thương tại chợ Phú Lâm (Q.6, TPHCM) cho biết: “Mấy ngày nay, đầu mối cung cấp rau đều tăng giá nên mình phải tăng theo, có loại giá tăng hơn 30%. Chẳng hạn, cà chua tuần trước lấy từ chợ Hóc Môn 15.000 đồng/kg, nay 20.000 đồng/kg, bán ra 25.000 đồng/kg; các loại khổ qua, bắp cải… đều tăng từ 10.000-15.000 đồng so với tuần trước. Do dịch bệnh, xe đi lại khó khăn; hàng loạt khoản phí từ thuê xe, vận chuyển, giá xăng tăng… là các nguyên nhân đẩy giá hàng hóa lên cao”.
Tại Bình Dương, sau khi có lệnh cấm chợ tạm, giá cả ở các chợ truyền thống đều tăng cao. Khảo sát của PV Tiền Phong tại chợ An Phú (TP Thuận An) và chợ Dĩ An (TP Dĩ An), giá thịt heo (ba rọi) tăng từ 130.000 đồng/kg lên 155.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 170.000 đồng/kg. Thịt gà từ 80.000-100.000 đồng/kg nay vọt lên gần 150.000 đồng/kg. “Giá thịt, cá tăng lên đã đành, rau, củ, quả còn tăng kinh khủng. Trước đây, tôi mua bó rau muống chỉ 3.000 đồng, giờ lên 6.000-8.000 đồng/bó, chôm chôm cũng lên 45.000 đồng/kg, trong khi trước đó chỉ 15.000 đồng/kg” - anh Nguyễn Hoàng Anh, công nhân sống ở phường An Phú (TP Thuận An) nói.
Lý giải về mặt hàng rau tăng giá, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho rằng, việc giá cả hàng hóa tăng giảm chủ yếu do quy luật cung - cầu quyết định. Qua quan sát thị trường 2 ngày qua, Sở nhận thấy giá cả mặt hàng rau củ quả không tăng đồng loạt mà chủ yếu chỉ tăng ở các loại rau nhiệt đới như cải xanh, cải ngọt, bầu bí… “Nguyên nhân do tỉnh Tây Ninh là vùng nguyên liệu chính sản xuất, cung cấp các mặt hàng rau nhiệt đới cho thị trường TPHCM, áp dụng chủ trương kiểm soát, cách ly người đến và về từ một số chợ trên địa bàn thành phố, trong đó có 2 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền. Quy định này vô tình đã gây khó khăn cho việc vận chuyển và cung ứng hàng hóa từ Tây Ninh về thị trường Thành phố. Các thương lái không dám nhập hàng từ Tây Ninh đưa về các chợ đầu mối của Thành phố do lo ngại bị cách ly, dẫn đến nguồn cung một số mặt hàng rau nhiệt đới giảm xuống” - ông Phương nói.
Doanh nghiệp tăng cung ứng
Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho biết, nhiều doanh nghiệp của Hội đã lên phương án tăng công suất sản xuất, đảm bảo cung ứng hàng đầy đủ và cam kết không tăng giá bán dù chi phí sản xuất đang tăng mạnh.
Ở nhóm mặt hàng thịt và trứng gia cầm, đại diện Công ty CP Ba Huân thông tin, công ty đã mở rộng mạng lưới tiêu thụ và giữ giá bán bình ổn. Riêng mặt hàng thực phẩm chế biến từ thịt gia cầm sẽ đảm bảo đủ cung ứng và giữ giá bình ổn trong 3 tháng tới. Công ty San Hà cho hay nguồn cung dồi dào, không thiếu và giá thịt gia cầm các loại như gà, vịt sẽ tiếp tục ổn định… Riêng với mặt hàng gạo, hiện tại dù giá lúa đang cao nhưng sản lượng gạo dự trữ bảo đảm đủ cung ứng đến cuối năm, và giữ giá bán hiện tại.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho biết, hiện các doanh nghiệp thực phẩm đang phải chịu áp lực giá nguyên liệu tăng từ 30%-300% (tùy loại nguyên liệu), nhưng với mong muốn chia sẻ khó khăn với người dân, nhất là người dân đang phải thực hiện giãn cách xã hội để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch COVID-19, nên phần lớn các đơn vị đều quyết định không tăng giá bán. Các siêu thị cũng tăng lượng hàng cung ứng, dự trữ để cung ứng cho thị trường. Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM khẳng định, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cho thị trường thành phố rất dồi dào, phong phú, cung đảm bảo cầu.
Trao đổi với PV báo Tiền Phong, ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh Bình Dương cam kết đủ nguồn cung các nhu yếu phẩm thiết yếu nên không xảy ra tình trạng “cạn” hàng hóa. Đoàn kiểm tra luôn đi khảo sát, nếu phát hiện tiểu thương tăng giá cao hơn quy định sẽ xử lý. “Do dịch bệnh diễn biến phức tạp buộc địa phương phải tạm ngưng chợ tự phát. Đối với chợ truyền thống, hoạt động nhưng phải đảm bảo quy định về phòng, chống dịch, bố trí lực lượng đến hỗ trợ. Đối với các cơ sở kinh doanh mặt hàng thiết yếu vẫn hoạt động bình thường để không ảnh hưởng đến đời sống người dân” - ông Hà nói.
Tác giả: UYÊN PHƯƠNG - HƯƠNG CHI
Nguồn tin: Báo Tiền phong