Tin địa phương

Siết chặt quản lý chất lượng nước uống đóng chai

Hiện nay, nước uống đóng chai (hoặc bình) đã trở thành sản phẩm được sử dụng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, việc quản lý chặt chẽ chất lượng loại sản phẩm này đang rất cần được triển khai kịp thời, triệt để.

Đầu tháng 11, chúng tôi đã có dịp khảo sát các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai trên địa bàn thị xã Ba Đồn và huyện Bố Trạch. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là cơ sở sản xuất nước uống đóng chai Việt Đức (thôn Văn Phú, xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn).

Trang thiết bị được đầu tư tương đối hiện đại của một cơ sở sản xuất nước uống đóng chai.

Theo anh Hoàng Ngọc, chủ cơ sở sản xuất nước uống đóng chai Việt Đức, xã Quảng Văn là vùng khát, hiếm nước sạch. Người dân ở đây nếu muốn dùng nước sạch thì phải mua với giá cao. Nhận thức được điều này, đầu năm 2016, gia đình anh đã đầu tư hơn 300 trăm triệu đồng để xây dựng cơ sở sản xuất nước đóng chai nhằm cung cấp nước cho bà con trong xã và các vùng phụ cận.

Để cơ sở sản xuất hiệu quả, anh phải đầu tư một chiếc thuyền chuyên đi mua nước sạch mỗi ngày. Được biết, mỗi ngày, cơ sở của anh sản xuất từ 50-70 bình nước lọc loại 20 lít. Nước sạch đóng chai, đóng bình chủ yếu cung cấp cho các tàu đi biển trong xã và các xã lân cận.

Anh Ngọc cũng chia sẻ thêm, để mở được cơ sở sản xuất nước sạch phải đầu tư vốn lớn, trải qua nhiều quy trình kiểm tra khắt khe về an toàn chất lượng của các cơ quan chức năng. Nhưng hiện nay, rất nhiều cơ sở sản xuất nước đóng chai được mở, nên cơ sở phải chịu sự cạnh tranh gay gắt. Cơ sở mới thành lập được hơn 1 năm nhưng cũng đã bị xử phạt hành chính 1 lần do có mẫu nước không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đối với nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai.

Cơ sở đã ngừng hoạt động 1 thời gian, đến nay lại ngừng hoạt động do hệ thống đèn cực tím đã bị cháy chưa có thiết bị thay thế. Hàng năm, các cơ sở đều được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, khám sức khỏe định kỳ, các cơ quan chức năng luôn lấy mẫu nước và cơ sở cũng lấy mẫu nước gửi đi kiểm tra định kỳ.

Tại huyện Bố Trạch, cơ sở sản xuất nước uống đóng chai Family (thôn 5, xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch) hiện đóng cửa không sản xuất. Anh Phan Văn Công, chủ cơ sở cho biết, cơ sở đi vào hoạt động từ năm 2009 với vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Nhưng, thời gian gần đây, cơ sở cũng gặp khó khăn trong sản xuất do sự cạnh tranh khốc liệt. Trước đây, có ngày cơ sở sản xuất trên 100 bình nước lọc loại 20 lít, cung ứng cho cả địa bàn huyện Quảng Trạch, nhưng bây giờ, từ 5-10 ngày mới bán được 100 bình loại 20 lít.

Anh Công cũng cho hay, cơ sở của anh đang áp dụng những tiêu chuẩn chất lượng và quy trình giám sát chất lượng khắt khe, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị nhưng lại chịu sự cạnh tranh từ các cơ sở sản xuất, làm ăn chụp giật, mùa vụ, vì vậy, đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có 87 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, nước đá dùng liền. Trong 9 tháng đầu năm 2017, Chi cục đã tiến hành kiểm tra 101 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, nước đá dùng liền trên địa bàn. Qua kiểm tra có 81 lượt cơ sở đạt yêu cầu, chiếm tỷ lệ 81%; 20 lượt cơ sở không đạt yêu cầu, chiếm tỷ lệ 19%... Chi cục đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 20 cơ sở, với tổng số tiền phạt 17,25 triệu đồng.

Công tác quản lý chất lượng sản phẩm nước uống đóng chai đóng bình cần được tăng cường.

Ông Trần Quyết Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP cho biết, hiện nay, các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai và nước đá dùng liền trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt các quy định trong sản xuất, kinh doanh. Hàng năm, cùng với công tác thanh, kiểm tra, Chi cục VSATTP cũng tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về VSATTP cho chủ và nhân viên của các cơ sở.

Nhưng, vẫn có một số cơ sở chưa chủ động thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho chủ và nhân viên; nhân viên trong quá trình sản xuất không mang, mặc trang phục bảo hộ đúng quy định; còn tận dụng các trang thiết bị thô sơ, đơn giản để bảo quản, chứa đựng thực phẩm; khu vực súc rửa, bảo quản sản phẩm chật hẹp; sản xuất thực phẩm có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật.

Ông Thắng cũng cho biết thêm, đối với các cơ sở không đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm, vi phạm về chất lượng sản phẩm, ngoài phạt tiền, Chi cục yêu cầu cơ sở tạm ngừng sản xuất để khắc phục; buộc thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn đang lưu thông trên thị trường để xử lý theo quy định pháp luật; đồng thời, gửi mẫu kiểm nghiệm và cho tái sản xuất khi mẫu kiểm nghiệm đạt chất lượng...

Tác giả: Ngọc Hải

Nguồn tin: baoquangbinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP