Để phát triển nghề đánh bắt hải sản, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương hỗ trợ ngư dân tranh thủ tốt các chính sách của Trung ương, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của địa phương thúc đẩy khai thác thủy sản phát triển theo hướng khai thác xa bờ cho hiệu quả cao, giảm cường lực khai thác ven bờ, nơi nguồn lợi thủy sản đang bị cạn kiệt.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình hiện có 8.157 tàu cá khai thác thủy sản trên biển và các cửa sông lớn, trong đó 1.371 tàu cá từ 90CV trở lên khai thác xa bờ.
Số lượng tàu đóng mới, nâng cấp công suất lớn theo tăng nhanh, ngư trường khai thác chuyển mạnh sang vùng biển xa cho hiệu quả cao, giảm cường lực khai thác vùng ven bờ, vùng lộng, khu vực Vịnh Bắc Bộ nơi nguồn lợi thủy sản đang cạn kiệt.
Đội tàu đánh cá tỉnh Quảng Bình xuất phát ở của biển Nhật Lệ, bắt đầu chuyến đi đánh cá bắt dài ngày ở ngư trường Hoàng Sa. |
Cụ thể, thực hiện chính sách Trung ương, trong năm 2017 đã có 90 tàu đóng mới, nâng cấp hoàn thành đi vào sản xuất trong tổng số 94 đối tượng được UBND tỉnh phê duyệt danh sách vay vốn.
Các ngân hàng đã giải ngân cho ngư dân vay 952,8 tỷ đồng; giải ngân hỗ trợ 795,3/864,7 tỷ đồng được thẩm định theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân đăng ký tham gia khai thác vùng biển xa, thực hiện tốt việc tiếp nhận, thẩm định, giám sát, theo dõi chặt chẽ tàu cá hoạt động vùng biển xa tránh gian lận.
Đối với chính sách của tỉnh, tỉnh cũng đã bố trí 750 triệu để hỗ trợ ngư lưới cụ chuyển đổi nghề cho tàu cá khai thác xa bờ, hỗ trợ máy dò ngang, hầm bảo quản sản phẩm cho tàu cá bằng vật liệu PU. Riêng chính sách của huyện, đã bố trí 2.345 triệu đồng, trong đó thành phố Đồng Hới 2.150 triệu đồng, huyện Lệ Thủy 120 triệu đồng, huyện Bố Trạch 75 triệu đồng để hỗ trợ đóng mới tàu cá, chuyển đổi nghề khai thác, mô hình ứng dụng khoa học công nghệ.
Ngoài ra, UBND tỉnh quảng Bình cũng thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý hoạt động khai thác thủy sản trong vùng vùng biển ven bờ, vùng nước nội địa và phân chia ranh giới quản lý khai thác thủy sản cho UBND cấp huyện. Từ đó, các địa phương đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động trong tổ chức quản lý, kiểm tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực thủy sản; thực hiện cấp Giấy xác nhận đã đăng ký tàu cá và Giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá có công suất dưới 20CV.
Tác giả: Thanh Hà
Nguồn tin: Báo Infonet