Có thể nói, việc thực hiện REDD+ như một mũi tên trúng nhiều đích, vì vừa giúp bảo tồn đa dạng sinh học, vừa phát triển sinh kế cho cộng đồng người dân sống phụ thuộc vào rừng và giúp họ tiếp cận được các biện pháp bảo đảm an toàn môi trường và xã hội. Về mặt tài chính, nếu tiếp cận được thị trường các – bon, nguồn thu từ REDD+ sẽ hỗ trợ nguồn ngân sách đang thiếu dành cho việc bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Ngân chỉ đạo cuộc họp Ban chỉ đạo sáng kiến REDD+ tỉnh Quảng Bình. |
Quảng Bình có 480.212 ha rừng tự nhiên, chiếm 88% diện tích có rừng. Hệ sinh thái đặc biệt độc đáo và khá phong phú về các loài động thực vật. Đây là nơi tập trung tính đa dạng sinh học cao, một số nơi giữ được hệ sinh thái núi đá vôi còn ít bị tác động, khá đặc trưng có thể xem là đại diện cho vùng địa lý sinh vật của dãy bắc Trường Sơn.
Rừng và đất lâm nghiệp được phân cho các chủ rừng quản lý: 2 Ban quản lý rừng đặc dụng 118.904 ha, 8 Ban quản lý rừng phòng hộ 135.918 ha, doanh nghiệp Nhà nước 117.579 ha, doanh nghiệp ngoài quốc doanh 433 ha; hộ gia đình, cá nhân 98.742 ha; cộng đồng 13.285 ha; đơn vị vũ trang 5.981 ha, UBND các xã 99.352 ha. Năm 2014, Lâm trường Trường Sơn thuộc Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Trong giai đoạn 2013-2016, dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” (FCPF-REDD+) đã hỗ trợ tỉnh thực hiện nhiều hoạt động REDD+, tập trung vào nội dung tập huấn, đào tạo và tuyên truyền nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và REDD+ cho cán bộ các cấp, các chủ rừng và cộng đồng vùng thí điểm thực hiện REDD+.
Đây là một trong những nội dung quan trọng trong giai đoạn chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+, giúp cộng đồng địa phương nhận thức được các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những lợi ích và rủi ro khi tham gia thực hiện REDD+, cũng như vai trò của từng đối tượng khi tham gia sáng kiến này.
Ban quản lý Dự án FCPF-REDD+ tỉnh Quảng Bình cũng đã hỗ trợ Ban quản lý Dự án trung ương thực hiện các hoạt động kỹ thuật, như: tham gia chương trình thực thi pháp luật trong quản trị rừng và thương mại lâm sản, phối hợp với các chuyên gia đánh giá môi trường chiến lược và xã hội, hoàn thiện văn kiện chương trình giảm phát thải cho sáu tỉnh Bắc Trung Bộ.
Một trong những kết quả quan trọng là Quảng Bình đã xây dựng được Kế hoạch hành động REDD+ và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1208/QĐ-UBND ngày 25-4-2016.
Kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh tập trung thực hiện tại 19 xã ưu tiên thuộc sáu huyện và các chủ rừng lớn, bao gồm ba hợp phần chính, đó là: quản lý rừng, xã hội và môi trường; các vấn đề liên quan đến quản lý. Kế hoạch đã vạch ra lộ trình cụ thể trong việc thực hiện REDD+ của tỉnh, giúp triển khai các hoạt động REDD+ lồng ghép trong thực hiện kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2015-2020 đáp ứng mục tiêu phát triển rừng bền vững; bảo tồn đa dạng sinh học, đa dạng hóa và cải thiện sinh kế cho các chủ rừng và người dân trong tỉnh.
Bên cạnh đó, Quảng Bình cũng đã xây dựng được Quỹ bảo vệ và phát triển rừng để quản lý nguồn thu từ REDD+. Quỹ đã được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 3466/ QĐ-UBND ngày 2-10-2017.
Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 (FCPF-2) tập trung tại khu vực Bắc Trung Bộ gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Tổng vốn của dự án là 5,702 triệu USD, trong đó 5 triệu USD là từ nguồn ODA viện trợ không hoàn lại và 702 nghìn USD từ nguồn vốn đối ứng.
Học viên thực hành sử dụng máy tính bảng trong theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp do BQLDA FCPF-REDD+ tổ chức. |
Nhà tài trợ của Dự án là Quỹ đối tác các-bon trong lâm nghiệp – FCPF, ủy thác qua Ngân hàng Thế giới. Cơ quan thực hiện dự án là Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp. Dự án tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực tổ chức và kỹ thuật cho các cơ quan liên quan ở Trung ương và sáu tỉnh thuộc Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ nhằm chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+.
Là một trong sáu tỉnh thực hiện Dự án FCPF- 2, trong thời gian sắp tới, tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp trục triển khai công tác sẵn sàng REDD+, tập trung các hoạt động sau: cung cấp bản đồ, số liệu và phối hợp với các chuyên gia hoàn thiện Văn kiện chương trình Giảm phát thải sau khi có ý kiến góp ý của cuộc họp Quỹ Các-bon lần thứ 15 và gửi Văn kiện sửa đổi cho Ngân hàng Thế giới theo đúng kế hoạch; điều chỉnh Kế hoạch hành động REDD+ tỉnh Quảng Bình theo QĐ 419/2017-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình Quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, bảo tồn, nâng cao trữ lượng các-bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030; triển khai tập huấn và hỗ trợ trang thiết bị theo dõi diễn biến rừng theo công nghệ mới; tổ chức các đợt tuyên truyền về biến đổi khí hậu, phổ biến các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện REDD+ tại các địa phương có nhiều rừng và đất lâm nghiệp, hỗ trợ thực hiện các hoạt động về bảo đảm an toàn môi trường và xã hội...
Với lộ trình cụ thể trong việc thực hiện REDD+, Quảng Bình đang nỗ lực góp phần thực hiện Chương trình hành động quốc gia về REDD+, Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, đồng thời cùng các tỉnh khác trong cả nước thể hiện trách nhiệm và nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Tác giả: Diệu Hương-Khánh Hòa
Nguồn tin: baoquangbinh.vn