Ngày 14/12, tại tọa đàm "Áp lực giáo viên: Nguyên nhân và giải pháp" tổ chức ở Đại học Sư phạm Hà Nội, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chia sẻ rất trăn trở trước áp lực của giáo viên. Áp lực xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trước hết là từ chính thầy cô và môi trường làm việc, sau đó là từ cơ chế chính sách, thu nhập, phụ cấp, gia đình và học sinh...
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Dương Tâm |
"Giáo viên chịu rất nhiều áp lực. Tuy nhiên, không thể vin vào đó để đi ngược lại thuần phong mỹ tục, chuẩn mực đạo đức. Thầy cô làm sai thì phải sửa, không sửa được thì phải loại ra khỏi ngành. Còn những thầy cô làm tốt, chúng ta phải động viên bảo vệ", ông Nhạ nói.
Bộ trưởng Giáo dục cho rằng các trường sư phạm phải có cách thức tuyển sinh để chọn được giáo sinh phù hợp, không chỉ điểm cao mà phải có phẩm chất như kiên nhẫn, yêu nghề. Hiện nay phần "dạy chữ" có thể yên tâm vì có nhiều kênh, công cụ hỗ trợ, nhưng phần "dạy người", rèn luyện giáo sinh phát huy phẩm chất nhà giáo cần được chú trọng để khi ra trường các em có thể tự ứng xử được với các vấn đề của nhà trường, chủ động giảm áp lực cho mình.
Nhìn nhận một số câu chuyện không hay gần đây, ông Nhạ nói nguyên nhân một phần do áp lực thi đua. Bộ Giáo dục đã chỉ đạo cắt giảm nhiều cuộc thi, tới đây sẽ tiếp tục rà soát quy định, cắt bỏ những gì không phù hợp và gây áp lực cho giáo viên. Việc làm sổ sách đánh giá cũng phải giảm bớt, đặc biệt quyết không đưa tiêu chí 100% học sinh phải lên lớp để áp thi đua cho giáo viên.
Bên cạnh đó, để thầy cô yên tâm giảng dạy và tiếp tục phấn đấu, ngành giáo dục cũng sẽ triển khai nhiều hoạt động bồi dưỡng, đào tạo lại, thực hiện các chuẩn, đặc biệt là thực dân chủ trong nhà trường.
Trước ý kiến cho rằng thầy cô hiện rất cô đơn trước áp lực nghề nghiệp, Bộ trưởng nhìn nhận đó là trách nhiệm của ngành và đặt mục tiêu phải làm cho thầy cô hạnh phúc bởi chỉ khi đó học sinh, gia đình, xã hội mới hạnh phúc.
Ngày 19/11, cô Nguyễn Thị Phương Thủy, chủ nhiệm lớp 6.2 trường THCS Duy Ninh, đã yêu cầu 23 học sinh tát Hoàng Long Nhật do chửi thề. Một ngày sau, nam sinh nhập viện điều trị. Ngày 24/11, em Nhật đi học trở lại. Trong bản tường trình, cô Thủy thừa nhận sai phạm, giải thích việc đặt ra hình phạt tát do áp lực thi đua. Lớp có 27 học sinh, đa số học lực trung bình, hay nghịch ngợm nên thường "đội sổ" của trường. Ngày 26/11, sau khi có ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, Công an huyện Quảng Ninh đã khởi tố vụ án Hành hạ người khác xảy ra tại trường Duy Ninh. |
Tác giả: Dương Tâm
Nguồn tin: Báo VnExpress