Nếu lấy những chu kỳ 10 năm làm thước đo thì thế hệ cầu thủ 2018 được xem là lì nhất, dày dạn nhất dù tuổi đời trẻ nhất.
Đỉnh và sườn dốc
Năm 1998, lứa Văn Cường, Mạnh Cường, Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh, Hữu Đang… được xem đã bắt đầu bước vào bên kia sườn dốc. Thời điểm đấy ông Alfred Riedl lo lắng vì bóng đá Việt Nam vẫn “xây nhà từ nóc”. Thế nên lúc đó giấc mơ lớn nhất chỉ quanh quẩn là SEA Games và AFF Cup trong cái ao Đông Nam Á cùng cái dớp sợ Thái Lan dù đã một lần thắng họ 3-0 ở bán kết năm 1998.
10 năm sau, năm 2008, ông Calisto cùng thế hệ cầu thủ Minh Phương, Việt Thắng, Như Thành, Dương Hồng Sơn, Công Vinh, Tấn Tài, Quang Thanh, Vũ Phong… lên ngôi ở AFF Cup. Các chuyên gia gọi đấy là lần đầu lên đỉnh và bản thân ông Calisto cũng không nghĩ sẽ có đỉnh cao hơn nữa. Giải thích việc không dám mơ, ông Calisto từng chia sẻ: “Bóng đá Việt Nam có quá ít những lò đào tạo trẻ và khi một nền bóng đá chỉ chú trọng phần đỉnh thì sẽ khó đi xa”.
Đó là lý do năm 2010, rồi 2012, 2014... những thế hệ tiếp nối cứ mắc nghẹn hoặc ở bán kết hoặc dừng cuộc chơi từ vòng bảng.
Nếu đã chứng kiến chức vô địch 2008 và so sánh với ngôi vua 2018 thì rõ ràng ai cũng thấy thế hệ hôm nay chắc chắn hơn và đường vô địch của họ phẳng phiu hơn dưới tay ông Park Hang-seo.
Nhưng công bằng mà nói thì ngoài phần tài ba, mưu lược và tâm lý của ông Park Hang-seo, bóng đá Việt Nam trong suốt sáu năm qua đã có những thay đổi tích cực ở nền tảng trẻ. Cách tiếp cận đấy cộng với thầy giỏi đã sản sinh ra một thế hệ vô địch Đông Nam Á thật xứng đáng. Thế nên mang ơn ông Park Hang-seo nhưng cũng phải biết ơn những ông bầu có tâm biết chú trọng đến những lò bóng đá trẻ, những học viện mọc lên liên tục một cách có bài bản.
Chiến thắng của một tập thể được hun đúc từ các lò đào tạo đã biết nghĩ đến cái chung cùng sự thổi lửa của thầy Park. Ảnh: NGỌC DUNG |
Sau AFF Cup 2018 lại tiếp tục vượt dốc
Tôi thích cái cách bầu Đức bình thản khi quân HA Gia Lai rất ít khi ra sân ở AFF Cup này và ít quan tâm truyền thông khai thác chuyện ông dẫn hai quan chức VFF sang Hàn Quốc tìm HLV Park Hang-seo. Thích cả cái cách bầu Hiển không ôm vào và không kể công dù lò Hà Nội của ông có trận chiếm đến nửa đội hình, lại toàn những vị trí then chốt. Hay những ông chủ ở lò Becamex Bình Dương chấp nhận bỏ thành tích để hướng đến đào tạo trẻ, rồi thuyết phục Anh Đức trở lại đội tuyển khi hết HLV Mai Đức Chung rồi ông Park Hang-seo muốn Anh Đức trở lại.
Chiến thắng lớn nhất tại AFF Cup này là nhìn vào đội tuyển, ít ai còn đặt ra những nghi kỵ quân bầu Đức hay lính bầu Hiển và bản thân các cầu thủ của hai lò đấy họ thân thiện với nhau như anh em một nhà. Điều mà những đời HLV tiền nhiệm không có được và người hâm mộ lẫn giới chuyên môn cứ đặt nghi vấn HLV nào lên thì phải tìm quân của mình làm nòng cốt để không bị “phản chủ”.
Chiến thắng của một tập thể xem đội tuyển như ngôi nhà chung và tất cả đều vì cái chung. Cứ xem cái cách hai thủ môn dự bị không một phút ra sân chạy đến ôm Đặng Văn Lâm khi thủ môn này đang còn ôm cột cầu môn cầu nguyện sẽ thấy họ thương nhau và đoàn kết như thế nào.
Sau AFF Cup, bóng đá Việt Nam sẽ bước vào những sân chơi khác mà gần nhất là Asian Cup, rồi tiếp theo là SEA Games. Và lần đầu tiên sau một chiến tích lớn ban huấn luyện lại được tiến cử để đưa năm cầu thủ trẻ đang đá giải U-21 lên. Khác hoàn toàn với chiến tích Asian Cup 2007 là một thế hệ cầu thủ đóng khung và 10 năm trước sau vô địch AFF Cup, tìm mãi cũng không ra gương mặt trẻ nào.
Bóng đá Việt Nam có rất nhiều bài học sau mỗi thành tích là tuột dốc bởi sự cũ kỹ và nhiều lý do khách quan. Bây giờ thì bóng đá Việt Nam đang đi trên một con đường khác và sau chức vô địch là dám nghĩ chuyện tiếp tục vượt dốc.
Đội tuyển vô địch từ nền tảng trẻ, trong đó có những cầu thủ hai năm trước cùng HLV Hoàng Anh Tuấn đá U-19 châu Á và U-20 thế giới, rồi chững chạc ở giải U-23, Asiad và cứng cáp ở đội tuyển với tuổi bình quân trẻ nhất.
Thế nên sau chiếc cúp AFF 2018, không phải tự dưng mà HLV Park Hang-seo nghĩ đến những cái đích xa hơn và thậm chí là dự World Cup với hành trình và chất xúc tác từ các lò đào tạo trẻ làm nền.
Tác giả: NGUYỄN NGUYÊN
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM