Kinh tế

Sau 1 tháng, lô đất 700 triệu đồng được "hét" giá 1,5 tỷ đồng

"Có lần tôi hỏi một lô đất khoảng 60m2 được chào bán với giá 700 triệu đồng, thế nhưng khoảng 1 tháng sau tôi quay lại thì lô đất đã được đẩy lên 1,5 tỷ đồng. Việc tăng giá hơn gấp 2 lần trong vòng 1 tháng trời là điều bất thường của thị trường".

Đó nhận định của ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Bộ phận Đầu tư Savills (đơn vị chuyên nghiên cứu và cung cấp dịch vụ bất động sản) tại hội thảo “Giá nhà đất – Thực hay ảo, giải pháp phát triển bất động sản cho nhu cầu thực”.

Hội thảo “Giá nhà đất – Thực hay hảo, giải pháp phát triển bất động sản cho nhu cầu thực” được tổ chức tại TPHCM nhằm “mổ xẻ” các vấn đề về giá cả bất động sản trong thời điểm hiện nay

Ông Sử Ngọc Khương cho biết, ông đã nhiều lần “cải trang” rồi chạy xe máy ra ngoại thành TPHCM để tìm hiểu giá đất và nhận thấy rằng, nhiều nơi đang diễn ra việc sốt đất ảo.

“Có lần tôi hỏi một lô đất khoảng 60m2 được chào bán với giá 700 triệu đồng, thế nhưng khoảng 1 tháng sau tôi quay lại thì lô đất đã được đẩy lên 1,5 tỷ đồng. Việc tăng giá hơn gấp 2 lần trong vòng 1 tháng trời là điều bất thường của thị trường”, ông Khương nói.

Cũng theo ông Khương, với thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam khoảng hơn 50 triệu đồng/năm thì phải mất nhiều năm sau, một cặp vợ chồng mới có thể sở hữu được một căn nhà cho riêng mình tại các thành phố lớn.

Hàng trăm chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp có mặt tại hội thảo.

Ông Nguyễn Minh Quang, đại diện một doanh nghiệp bất động sản tại TPHCM chia sẻ, việc sốt đất “ảo” cũng khiến giá nhà đất của nhiều dự án được đẩy lên cao dẫn đến việc người dân có nhu cầu thật rất khó tiếp cận. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở của những người dân có thu nhập thấp và trung bình là rất lớn.

“Một cặp vợ chồng có tổng thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 25 triệu đồng thì sau khi trừ chi phí sinh hoạt, họ chỉ có thể sở hữu những căn nhà trị giá từ 1,5 – 2 tỷ đồng, còn giá cao hơn thì người dân khó có thể tiếp cận được”, ông Quang nói.

Đứng từ góc nhìn kinh tế, tiến sĩ Bùi Quang Tín nhận định, để người dân có thu nhập thấp mua được nhà thì cần có những chính sách hỗ trợ từ nhà Nước, lãi suất cho vay của các ngân hàng được ưu đãi và các phương thức thanh toán được linh động hơn.

Theo ông Phan Trường Sơn, Trưởng phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản – Sở Xây dựng TPHCM thì nhu cầu nhà ở tại thành phố là rất lớn, trên địa bàn có khoảng 470.000 hộ gia đình đang gặp khó khăn về nhà ở.

Trong khi đó, mỗi doanh nghiệp có một sở trường khác nhau, do vậy các doanh nghiệp nên nghiên cứu kỹ thị trường và khách hàng của mình nhằm đưa ra sản phẩm tốt nhất.

“Các dự án nhà ở xã hội khi chào bán đều hết hàng ngay. Nguồn cung hiện chưa đáp ứng được nhu cầu này. Thành phố cũng đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mạnh hơn vào phân khúc nhà ở giá rẻ”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, sắp tới thành phố và Chính phủ sẽ nghiên cứu đưa ra các chính sách nhằm phát triển nhà ở cho thuê. Riêng thành phố sẽ chuẩn bị quỹ đất sạch để sau năm 2020 giao cho các doanh nghiệp bỏ vốn xây dựng nhà ở cho thuê.

Thành phố đặt mục tiêu tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 40 triệu m2. Trong đó nhà ở xã hội được triển khai đầu tư với quy mô khoảng 44.000 căn hộ, tổng diện tích đất là 135ha. Còn nhà ở thương mại sẽ phát triển theo nhu cầu thị trường.

Nhiều người dân có mức thu nhập thấp vẫn ước ao có một ngôi nhà khang trang nhưng ước mơ đó lại ngày càng xa vời vì những cơn sốt đất “ảo” đang kéo giá bất động sản lên cao.

Ông Sơn cũng thừa nhận rằng, thu nhập của người dân đang ngày càng tốt hơn nhưng việc mua được một căn nhà ở các dự án thương mại thì không hề dễ dàng.

Việc bất động sản tăng giá theo thời gian, theo tiến độ dự án, tiến độ phát triển hạ tầng là phù hợp. Tuy nhiên, phải tùy vào khu vực, mức độ phát triển hạ tầng, tiện ích…

Một số khu vực tại thành phố, giá bất động sản tăng đến 70% là không đúng với sự thật, đây là giá “ảo”. Nguyên nhân là do các cò đất, môi giới đưa thông tin không đúng sự thật, muốn hưởng chênh lệch cao từ việc chuyển nhượng bất động sản nên đã bất chấp các thủ đoạn trong kinh doanh. Tâm lý đám đông cũng là một phần gây nên việc sốt đất “ảo”.

“Người dân cần cẩn trọng và nghiên cứu giá trị bất động sản thật kỹ rồi hãy xuống tiền. Khu vực có hạ tầng tốt, nhiều tiện ích thì mới có giá cao nhưng nếu chưa có gì mà giá bất động sản tăng đột biến là có vấn đề”, ông Sơn nói.

Tác giả: Đại Việt – Công Quang

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP