Kinh tế

Bất động sản "hấp dẫn", chuyên gia lo khan hiếm nguồn cung

Với những hỗ trợ từ Chính phủ, ngân hàng cho vay thông thoáng... chỉ cần 30% tiền là đã có nhà ở nên có thể nói hiếm khi nào thị trường bất động sản hấp dẫn như hiện nay. Điều lo ngại lớn nhất của các doanh nghiệp chính là sự khan hiếm nguồn cung.

Đóng 30% thì... có nhà

Tại hội thảo “Những giải pháp thúc đẩy thị trường Bất động sản cuối năm 2017” ngày 16/8, TS Bùi Quang Tín, CEO Trường doanh nhân BizLight cho rằng, chưa bao giờ người mua nhà được ưu đãi như hiện nay. Nhiều dự án, khách hàng chỉ cần bỏ ra 30% tiền là nhận nhà.

Theo TS Bùi Quang Tín, nguồn vốn FDI vào Việt Nam thì bất động sản (BĐS) vẫn là ngành thu hút đứng thứ 4. Nguồn vốn của các nhà đầu tư, khách hàng thì trên 50% xuất phát từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

TS Bùi Quang Tín cho rằng, chưa bao giờ người mua nhà được ưu đãi như hiện nay

Kết thúc 2016 lãi suất ổn định và đang có dấu hiệu giảm. Do đó, thay vì đổ vào trái phiếu thì nhiều nhà đầu tư chuyển vào chứng khoán và BĐS. Trên 50% người mua nhà đều vay tiền ngân hàng, trong khi đó, chính sách lãi suất hỗ trợ người vay mua nhà khá thông thoáng, lãi suất ưu đãi. Do đó, kênh bất động sản vẫn còn khá hấp dẫn nên dự kiến vẫn "hút" nhà đầu tư trong thời gian tới.

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, phân khúc nhà phố nguồn cung không nhiều trong khi nhu cầu lớn, nhưng giá khó tăng. Trong khi đó đất nền vùng ven nóng lạnh cục bộ. Những khu vực vùng ven TPHCM như Bình Chánh, Hóc Môn, Q.9, Thủ Đức, Nhà Bè nhu cầu nhà đất của người dân rất lớn.

"Thị trường cuối năm sẽ hạ nhiệt nhưng không quá bi quan vì đối tượng đầu tư cá nhân ở TPHCM và lân cận vẫn chọn kênh đầu tư bất động sản là chính. Do đó BĐS vẫn có lực đỡ, nhất là khi Chính phủ sẽ có thêm chính sách hỗ trợ", TS Đinh Thế Hiển nói.

Lo khan hiếm nguồn cung

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng cung cấp cái nhìn tổng quan về thị trường BĐS cuối năm 2017. Điều lo ngại hiện nay chính là nguồn đất công, đất quốc phòng đang tạm dừng chuyển đổi sang đất ở, quỹ đất sạch “tồn” kho từ thời thị trường BĐS đóng băng nay cũng đã được “khui” ra dùng gần hết. Trong khi đó để giải phóng mặt bằng được một dự án phải mất mấy năm... Điều này theo các chuyên gia, doanh nghiệp tham dự hội thảo, nguồn cung BĐS trong tương lai sẽ bị khan hiếm.

Dự báo trong nửa cuối năm 2017, thị trường bất động sản khan hiếm nguồn cung.

Ông Sử Ngọc Khương, đại diện cho công ty nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài rất quyết liệt vào thị trường BĐS Việt Nam, nhất là BĐS thương mại. Đem nguồn vốn vào Việt Nam là bổ sung rất lớn cho thị trường BĐS.

"Doanh nghiệp trong nước rất vất vả trong việc đền bù giải toả. Trong khi doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam họ chỉ muốn hợp tác hoặc mua lại quỹ đất sạch. Trong khi việc làm sạch đất bán thì lợi nhuận không được bao nhiêu mà lợi nhuận là ở khâu phát triển dự án, bán lẻ sản phẩm", ông Khương nói.

TS Đinh Thế Hiển cho rằng, thời gian tới, khan hiếm nguồn nguyên liệu là có. Nguyên nhân là do đền bù khó khăn khi người dân đang bắt chẹt doanh nghiệp. Không đền bù được buộc chủ đầu tư phải làm lại quy hoạch và như vậy là mất thêm 2-3 năm làm thủ tục.

"Phí nguyên liệu đền bù càng về sau càng tăng giá. Rồi tiền sử dụng đất, san lấp mặt bằng đắt đỏ do giá cát tăng... Tình hình tới là các công ty phải đối đầu với phương thức lấy đất và chi phí lấy đất", TS Đinh Thế Hiển nhận định.

Tác giả: Công Quang

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP