Anh Tôn Thất Trường Nam, cán bộ bộ môn Vật lý, khoa Tự nhiên và công nghệ, Trường ĐH Tây Nguyên là tác giả của chiếc máy có thể “dò” ra những loại tai nghe siêu nhỏ được khâu chìm trong áo hoặc bỏ sâu trong lỗ tai mà giám thị không thể phát hiện. Đây là một đề tài nghiên cứu mà anh Nam phối hợp với Phòng Thanh tra - Pháp chế của trường thực hiện.
Anh Tôn Thất Trường Nam, người sáng chế ra máy phát hiện gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao (ảnh NVCC) |
Mặc dù, thiết bị này mới ở phiên bản thử nghiệm nhưng đã giúp nhà trường “bắt” được hàng chục sinh viên gian lận bằng công nghệ cao trong kỳ thi giữa kỳ 1 vừa qua.
Anh Nam cho biết, trước kỳ thi, trường có thông báo về việc ứng dụng thiết bị này nhưng nhiều sinh viên vẫn… không tin máy có khả năng phát hiện gian lận được. Kết quả là kỳ thi giữa kỳ 1 mới đây, nhờ máy này, thanh tra trường phát hiện tới 50 trường hợp sinh viên dùng thiết bị công nghệ cao, chủ yếu là điện thoại và tai nghe siêu nhỏ.
Nói về thiết bị của mình, anh Nam cho biết, đây là thiết bị cầm tay, có cấu trúc nhỏ gọn, nặng khoảng 0,5 kg, sử dụng bằng pin. Chiếc máy này có khả năng phát hiện các thiết bị truyền tin bằng sóng vô tuyến như tai phone, điện thoại… trong khoảng cách từ 8-10m. Máy dò được các loại tai nghe siêu nhỏ, tai nghe không dây, giúp các thầy cô ở phòng khảo thí của trường phát hiện những trường hợp tiêu cực trong thi cử.
Thông qua máy, các thầy cô thanh tra từ bên ngoài phòng thi có thể phát hiện, định vị chính xác thiết bị truyền tin mà sinh viên đang sử dụng nhờ bước dò sóng với nút chỉnh xa - gần; ăng-ten có chức năng xoay về hướng có tín hiệu; có các mức cường độ tín hiệu khác nhau.
Phiên bản đầu của thiết bị phát hiện gian lận thi cử bằng công nghệ cao (ảnh NVCC) |
Anh Nam chia sẻ: “Việc sáng chế nên thiết bị này chủ yếu là hướng đến việc răn đe sinh viên hạn chế gian lận trong thi cử để chú tâm học tập cho tốt hơn. Do chưa xác định được đầy đủ hiệu quả của dự án nên chưa tìm đầu ra rộng hơn cho sản phẩm này”.
Anh Nam cũng cho biết đây cũng mới chỉ là bản thử nghiệm ban đầu nên vẫn còn nhiều hạn chế nên sắp tới còn nghiên cứu cải tiến nhiều. Dự kiến tháng 4/2018 anh Nam sẽ hoàn thành dự án nghiên cứu.
Đây là một trong 53 đề tài khoa học công nghệ cấp cơ sở và trọng điểm vừa được Trường ĐH Tây Nguyên quyết định đồng ý xét duyệt nhằm phát động, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong cán bộ viên chức, giảng viên, sinh viên.
Phía nhà trường cũng cho biết những đợt thi trước đây, trường phát hiện nhiều hiện tượng sinh viên dùng thiết bị công nghệ cao để gian lận trong thi cử, chẳng hạn như gọi điện thoại ra ngoài. Từ thực tiễn đó, trường giao thực hiện đề tài trọng điểm nói trên, mục đích đầu tiên là ngăn ngừa tình trạng sinh viên gian lận trong thi cử.
Tác giả: Lê Phương
Nguồn tin: Báo Dân trí