Xe

Sản xuất ô tô ở Việt Nam: Hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra

Mặc dù là thị trường rất tiềm năng nhưng cho đến nay, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam vẫn chưa đạt tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự, phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản. Dây chuyền sản xuất chủ yếu gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra.

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, trong ngày 22/6, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có phiên làm việc với một số bộ, ngành để tìm hiểu thực trạng, đồng thời xem xét các giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ mặc dù được ưu tiên đầu tư, phát triển thế nhưng mới chỉ một số lĩnh vực đáp ứng được yêu cầu.

Cụ thể, trong lĩnh vực sản xuất ô tô, mặc dù được đánh giá là thị trường rất tiềm năng, nhưng cho đến nay theo báo cáo của Bộ Công Thương, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam vẫn chưa đạt tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự, phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản. Dây chuyền sản xuất chủ yếu gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra.

Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ mặc dù được ưu tiên đầu tư, phát triển thế nhưng mới chỉ một số lĩnh vực đáp ứng được yêu cầu
Ngành công nghiệp hỗ trợ công nghiệp ô tô đã hình thành nhưng còn yếu kém, chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm-lốp, sản phẩm nhựa... Chỉ một số ít doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe.

Với thực trạng như hiện tại, việc sớm hoàn thành các cơ chế, chính sách đồng bộ để phát triển công nghiệp hỗ trợ là yêu cầu cấp thiết, mang tính quyết định đến việc phát triển các ngành sản xuất then chốt của nền kinh tế.

Tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ xác định sẽ tập trung hỗ trợ và ưu đãi 6 ngành ưu tiên phát triển: Dệt may, da giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao. Các chính sách sẽ ưu tiên hỗ trợ về nghiên cứu và phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế về công nghiệp hỗ trợ, phát triển thị trường.

Nhiều chính sách ưu đãi thuế cũng đã được áp dụng để khuyến khích doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Chẳng hạn, theo Luật Đầu tư 2014, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu thuộc đối tượng ưu đãi, doanh nghiệp sẽ được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm. Nhà nước cũng miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư.

Ngoài ra, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ còn được hưởng nhiều ưu đãi khác như miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất; được vay với lãi suất ưu đãi…

Tuy nhiên, những chính sách hiện hành hiện vẫn chưa hoàn thiện và đồng bộ, do đó chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Tác giả bài viết: Bích Diệp

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP