Cuộc sống

Rơi nước mắt trước tâm sự của cô gái bị bắt cóc về người cha nuôi

Câu chuyện của Tiêu Gia Huệ bắt đầu khi sau một lần đi lạc, cô đã bị kẻ xấu bắt đi và bán cho một vợ chồng nông dân hiếm muộn ở Hồ Nam (Trung Quốc). Mãi đến năm 17 tuổi, Gia Huệ mới tìm lại được cha mẹ ruột của mình. Vào thời điểm Gia Huệ tốt nghiệp thạc sĩ thì cũng là lúc cô biết tin cha nuôi của mình bị bệnh ung thư da ác tính.

Ảnh minh họa


14 tháng 3 năm 2010 khi đó chính là ngày mà cả đời tôi không thể nào quên. Tôi đang tự học ở trên lớp, bỗng nhiên thầy giáo chạy vào: “ Tiêu Gia Huệ, cha em đến rồi”. Tôi lúc ấy có chút miễn cưỡng đi ra khỏi lớp, lạnh nhạt hỏi: “Cha đến đây làm gì?”. Âm thanh lúc đó của người đàn ông đối diện tôi khi đó vô cùng yếu ớt, thều thào: “Huệ, cha mẹ con đến rồi.”

Giật mình, như bị ai lên dây cót, tôi chạy thẳng về nhà mà không kịp xin phép thầy chủ nhiệm. Vừa chạy tôi vừa tưởng tượng khung cảnh mà mình sắp phải đối mặt tới đây….

Người đến trường tìm tôi, không ai khác chính là cha nuôi, ông tên Tiêu Kiện Tân.

Từ lúc tôi có thể ghi nhớ mọi việc đến nay, tôi đã sống cùng cha mẹ nuôi là Tiêu Kiện Tân và Tiêu Lệ Bình ở thôn Văn, Hồ Nam. Đây là thôn vô cùng nhỏ, tất cả chỉ có trên dưới 10 hộ gia đình sống với nhau, kiếm ăn chủ yếu dựa vào buôn bán khoai lang và đậu phộng.

Ảnh minh họa


Khi tôi 5 tuổi, một bà hàng xóm gần nhà hốt hoảng chạy lại thì thầm với cha nuôi tôi khi ông đang thu hoạch đậu phộng chuyện gì đó mà nghe xong ông liền vội vã bỏ hết tất cả, bế tôi chạy về nhà. Tối hôm đó, cha mẹ nuôi tôi vội vàng thu dọn đồ đạc chuyển đi. Tôi chuyển đến Đông Quan cùng bố mẹ trong mơ hồ, suốt 5 năm, cha mẹ nuôi tôi chưa từng quay về quê. Bởi vì khi đó còn quá nhỏ, tôi không để ý lắm lý do vì sao chúng tôi chuyển đi. Nhưng điều khiến tôi cảm thấy không hiểu được, đó là mỗi lần có ai đó ở quê lên thăm, cha mẹ tôi lại vô cùng căng thẳng hỏi chuyện họ.

Học lớp 4, mẹ nuôi tôi qua đời vì tai nạn, cha nuôi không thể nào vừa đi làm vừa chăm sóc tôi, hai cha con tôi lại quay về chốn cũ, thôn Văn. Từ ngày mẹ mất, cha tôi dường như gánh vác cả trách nhiệm làm cha lẫn làm mẹ. Cha tôi bận rộn việc đồng áng nhưng luôn không để tôi phải đói một bữa nào.

Nhìn cha vất vả như vậy, tôi cũng luôn tự giác hoàn thành tốt bài vở học tập của mình, đồng thời cũng phụ giúp thêm công việc nhà. Đến một hôm, có chú Lâm hàng xóm qua uống rượu, tôi thì ngoan ngoãn ngồi trong phòng làm bài tập về nhà. Một lúc sau, có vẻ rượu đã ngấm, giọng hai người to hơn, tôi ngồi trong phòng nghe rõ câu chuyện giữa hai người.

Chú Lâm một lòng muốn tác thành cha nuôi tôi với một người bạn của chú nhưng ông không nghe. Cha nuôi tôi nói: “Bây giờ thêm miệng ăn, tôi nuôi sao nổi đây.” Chú Lâm nghe vậy nói to hơn: “Nhưng anh vẫn cần có người phụ nữ trong gia đình chứ! Nuôi không nổi thì để Huệ Huệ nghỉ học, đàn bà con gái học nhiều làm gì chứ?”, cha tôi không tán thành: “Sao lại có thể nói như vậy? Huệ là một đứa trẻ thông minh, không thể nghỉ học được”. Chú Lâm giọng ngà ngà say: “Em biết, là anh cảm thấy có lỗi với bố mẹ ruột của Huệ, nếu năm đó anh trả lại Huệ cho họ thì anh chị đã không phải ra ngoài kiếm sống, chị Bình cũng không phải mất ở bên ngoài như vậy,…”

Mọi thứ xung quanh tôi khi đó như đông cứng lại, hai bên tai ù ù không nghe rõ những câu nói tiếp theo của hai người họ, mọi thứ trước mắt tôi nhòe đi, cổ họng nghẹn lại, trong đầu tôi khi đó hiện lên một loạt những kí ức lúc nhỏ không biết là mơ hay thực. Đối với một đứa trẻ 11 tuổi khi đó, thật khó có thể tiếp nhận được một sự thật kinh khủng đến như vậy. Bỏ mặc tiếng gọi khản cổ của cha nuôi phía sau lưng, tôi cắm đầu chạy, chạy thật nhanh, chạy thật xa khỏi ngôi nhà đó.

Hai ngày hôm sau, cha nuôi tìm thấy tôi vừa đói vừa rét trong một hang đá nhỏ. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in, khuôn mặt ông đã già đi rất nhiều chỉ sau hai hôm, 2 quầng mắt thâm lại như thể từ giây phút tôi bỏ đi ông chưa hề chợp mắt vậy, nhưng ánh mắt của ông khi nhìn tôi vẫn sáng như vậy, vẫn luôn tràn đầy yêu thương nhưng hôm nay hình như ánh mắt ấy còn có thêm sự day dứt, tự trách bản thân.

Mãi cho đến sau này, tôi vẫn không thể lý giải được, sự ăn năn day dứt đó là dành cho hành động của bản thân năm đó, hay là vì đã nói cho tôi biết một bí mật động trời….

Khoảng cách giữa tôi và cha nuôi ngày càng lớn. Chỉ cần nghĩ đến năm đó, ông chỉ bỏ ra 2000 tệ (khoảng 7 triệu VNĐ) để cướp tôi từ tay cha mẹ ruột, khiến tôi với họ phải xa cách, đau khổ là tôi lại càng hận ông hơn. Càng không thể chấp nhận được hơn chính là khi cha mẹ ruột tôi tìm đến, ông lại tìm cách giấu tôi đi, thêm một lần nữa cướp đi cơ hội được đoàn tụ với gia đình của mình. Khi đó, trong mắt tôi, người cha nuôi không khác gì một kẻ tàn bạo, độc ác, ích kỉ.

Trong lòng có quá nhiều nỗi đau không thể chấp nhận, tôi trở nên trầm mặc, ít nói, thậm chí còn nhiều khi vô duyên vô cớ nổi nóng, ngang ngược với ông. Mặc dù biết trong nhà không khá giả gì, ấy vậy mà có hôm tôi lại đòi ăn gà rán, hôm lại đòi uống nước ngọt. Cha nuôi chưa từng khước từ mọi yêu cầu gì của tôi, tôi muốn gì ông đều đáp ứng rất đầy đủ. Tôi không còn gọi ông thêm một tiếng “Cha” kể từ ngày hôm đó, mọi sự khổ tâm, oán hận đều viết hết vào quyển nhật kí.

Sau khi tốt nghiệp tiểu học, tôi cố tình thi vào một trường cấp 2 trong thị trấn để được ở nội trú. Nhưng cũng vì như vậy mà tiền học của tôi tăng lên rất nhiều, nếu chỉ làm nông ở nhà sẽ không đủ đóng học, chính vì vậy cha nuôi còn làm thêm những công việc khác, nặng nhọc có, nguy hiểm có, những việc không ai dám làm ông cũng nhận làm miễn sao là được trả công.

Mỗi cuối tuần ông đều vui vẻ đứng ở cổng kí túc đợi tôi. Về đến nhà lúc nào cũng nói cười, nấu những món ăn tôi thích nhất. Còn tôi thì ngược lại, luôn tìm cách tránh né, phủ nhận tình thương của ông dành cho tôi.

Có một hôm, tôi đi chơi ở ngoài về, liền nhìn thấy cha nuôi đang khoe thành tích học tập với chú Lâm, tôi tức giận, giật tờ giấy lại lạnh lùng nói: “Sau này đừng động vào cặp sách của tôi!” Nghe xong, ông không những không nổi nóng mà còn giống như một đứa trẻ làm sai, đỏ mặt im lặng.

Cuối năm cấp 3, tôi thi đạt được thành tích cao, nhận được học bổng của một trường nước ngoài, cha nuôi tôi tự hào lắm, gặp ai cũng hãnh diện kể chuyện nhưng có lẽ chính ông không biết rằng, ông là lý do để tôi muốn đi du học, muốn đi thật xa vùng đất này. Nhưng có một điều tôi không thể ngờ rằng, buổi lễ tốt nghiệp, bố mẹ ruột của tôi đã xuất hiện ở cổng trường. Dường như sợi dây liên kết gia đình đã khiến tôi nhận ra đôi vợ chồng trung niên đang đứng ở đó chính là người mà mình đang tìm kiếm bấy lâu nay. Thế nhưng, sự mơ hồ trong nhận thức khiến tôi không thể cất bước hay mở lời với họ để xác nhận điều mà mình đang suy nghĩ. Tôi chỉ đứng đó và nhìn thấy 2 người họ đang rút dần khoảng cách về phía tôi.

Người phụ nữ trung niên đưa cánh tay lên chỉnh chiếc mũ cử nhân trên đầu tôi, run run nói: “Hoan Hoan, là con rồi, mẹ nhớ con nhiều lắm…”. Tôi không nói được câu gì, chỉ biết ôm chặt người đứng trước mặt rồi khóc thật to, trút bỏ hết những oán hận, phiền muộn, buồn bực trong lòng. Cuối cùng, tôi cũng đã gặp được người mẹ đúng nghĩa của mình rồi.

Cha tôi đứng bên cạnh lấy ra một chiếc phong bì đưa cho cha nuôi, từ tốn nói: “Cảm ơn anh đã chăm sóc Hoan Hoan bao lâu nay.”. Cha nuôi trả lại chiếc phong bì và nói: “Tôi không cần gì hết, chỉ mong anh để lại địa chỉ cho tôi thôi.” Cha tôi do dự một lát, cuối cùng vẫn đưa địa chỉ nhà cho ông. Cha nuôi khi đó chỉ nói với tôi: “Con gái, con ở nhà ta thật thiệt thòi cho con, sau này hãy nghe lời cha mẹ nhé”. Khi ấy tôi không để ý những lời cha nuôi nói, cũng không tạm biệt ông lấy một câu, quay lưng bước đi thẳng ra xe với cha mẹ.

Tôi quay trở về với mái ấm của mình, ở ngôi nhà đó tôi còn có một em trai bé hơn tôi 7 tuổi. Trút bỏ được mọi sự buồn phiền, oán hận, tôi lại là một cô gái hoạt bát yêu đời, nỗ lực trong cả học tập vẫn cuộc sống. Năm 2016, tôi hoàn thành bằng thạc sĩ ở Berkeley, buổi lễ nhận bằng kết thúc trong sự vui vẻ của mọi người. Mãi đến khi trên đường về nhà, cha tôi mới ngập ngừng nói: “Hoan Hoan…Cha nuôi con, bị chẩn đoán mắc bệnh…ung thư da ác tính…”. Lời nói của cha như tiếng sét đánh ngang tai tôi, tim tôi đập nhanh hơn 1 nhịp thế nhưng tôi vẫn cố tỏ ra bình tĩnh nói: “Vậy ạ?”. Dường như cảm nhận được sự thờ ơ trong câu nói, mẹ tôi liền nhẹ nhàng kể lại hết mọi chuyện từ lúc cha nuôi tôi giấu tôi đi tìm cha mẹ ruột rồi đưa họ đến gặp tôi.

Những ngày tôi còn oán hận, khó chịu, chỉ biết trút sự buồn bực vào trang giấy thì cha nuôi tôi ngày ngày nhờ người hỏi thăm để liên lạc được với cha mẹ tôi. Ngoài công việc đồng áng và làm thuê, chỉ cần có thời gian, ông lại lên thành phố hỏi thăm, tìm kiếm những nhà có con gái đang mất tích. Vất vả ngược xuôi như vậy nhưng ông chưa từng than phiền với tôi một câu nào, tuần nào cũng lên đón tôi với khuôn mặt rạng rỡ hạnh phúc, nụ cười luôn thường trực không bao giờ tắt dù tôi có ngang ngược thế nào đi chăng nữa. Chính ông cũng là người đã liên lạc với cha mẹ ruột đến đón tôi vào ngày tốt nghiệp cấp 3 như một món quà bất ngờ mà ông muốn tặng cho tôi. Ấy vậy mà tôi thì lại tỏ ra thờ ơ, bất cần, chán ghét con người vĩ đại ấy, lúc nào cũng coi ông như kẻ thù không đội trời chung với mình. Tệ hại thật đấy!

Tôi vội vàng đặt vé bay về Hồ Nam, trở về thôn Văn, cảnh vật vẫn như vậy, sự yên tĩnh nơi đây vẫn khiến con người ta cảm thấy thoải mái như vậy. Tôi bước nhanh trên con đường cũ về căn nhà xưa, ngôi nhà hình như cũ hơn một chút thì phải, không còn to như trong con mắt của một đứa trẻ 7 tuổi nữa. Bên trong căn nhà là một người đàn ông gầy, khuôn mặt đã già đi rất nhiều, làn da sạm lại, nổi những nốt lấm chấm. Thế nhưng kì lạ thật, tôi vẫn nhìn thấy sự yêu thương, hạnh phúc sáng lên trong ánh mắt của ông khi nhìn thấy tôi. Hai tay ông như muốn ôm lấy tôi nhưng lại do dự, hình như ông sợ tôi sẽ đẩy ông ra. Tôi không nói được gì, chỉ lao vào ôm thật chặt người cha nuôi đang đứng trước mặt mình, luôn miệng nói câu xin lỗi….

Tôi đưa ông lên thành phố khám ở rất nhiều bệnh viện lớn nhưng họ đều lắc đầu. Mỗi lúc nhận được cái lắc đầu của bác sĩ, tim tôi như bị ai đó bóp chặt lại như thể người bệnh là tôi vậy. Còn cha tôi thì lại luôn túc trực nụ cười trên môi, dường như ông đã chuẩn bị sẵn tinh thần với mọi kết quả có thể xảy ra. Nhìn ông như vậy, tôi lại càng không từ bỏ hy vọng, trong nước không được tôi lại đưa ông ra nước ngoài. Cuối cùng, hy vọng đã mỉm cười với tôi, năm 2018, ở Nhật họ đã tiếp nhận trường hợp của cha nuôi tôi để thực hiện biện pháp mới. Sau một tuần điều trị hóa trị, tôi thấy được tình trạng của ông cải thiện lên đáng kể.

Ngay lúc này, ngồi nhìn người cha đang yên tĩnh ngủ trên giường bệnh, còn tôi thì túc trực bên cạnh, thật giống khung cảnh khi xưa tôi bị bệnh, ông luôn bên cạnh tôi ngày đêm cho đến khi tôi khỏi hẳn. Đột nhiên, những giọt nước mắt thi nhau rơi xuống từ khóe mắt tôi.

Có lẽ, cha nuôi tôi đã dùng cả kiếp này để đổi lại sự trưởng thành cho tôi. Chính ông đã khiến “một đứa bé bị bắt cóc” như tôi có cơ hội để đi học; cũng vì sự oán hận mà tôi có động lực học tập thật tốt cho tôi; và cũng chính ông là người khiến tôi có dũng khí đương đầu với sự khó khăn của thế giới này.

Tác giả: Nguyễn Hương Anh

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP