|
"Tôi đã giấu tiệt sở thích mua sắm với chồng,
Tôi yêu shopping, nó cứ đẹp như một bản sonat tình yêu mê hoặc lòng người vậy. Thật tiếc, tôi có thể nằm trong số nhiều bà vợ khác, không thể chia sẻ sở thích này với người đàn ông yêu thương nhất đời mình.
Chồng tôi ghét quần quần áo áo lắm. Xin đừng hiểu lầm, ý tôi là, tất nhiên anh ấy không nude, nhưng bạn có tưởng tượng được không, từ thời chúng tôi yêu và tìm hiểu nhau, anh ấy đã thường xuyên xuất hiện trong duy nhất 1-2 bộ quần áo rồi. Kiểu tóc sau 10 năm không có gì thay đổi, giày cũng chỉ 1 đôi đi đến khi hỏng thì thôi. Riêng đôi giày thể thao hiệu Nike là do tôi thuyết phục mãi anh ấy mới mua, cũng bởi vì anh ấy nhận ra người ta không thể kết hợp quần short, áo phông cùng với giày da được.
Chồng tôi không bao giờ mua cái anh ấy muốn, chỉ mua cái anh ấy cần. Anh ấy là người tiết kiệm, còn tôi là một bà vợ tiêu xài. Hai thái cực trái dấu đã làm nên một cặp đôi đến giờ vẫn nắm được tay nhau đi trên con đường đời.
Nhưng tôi “cũng mệt phết!”. Trước khi kết hôn, tôi không thể tin có ngày mình lại “bị đánh giá” vì những gì mình mua. Tôi thuộc kiểu người có thu nhập sớm, 20 tuổi đã kiếm được những đồng tiền của riêng mình, tôi không có khoản nợ ngân hàng nào, đến 30 tuổi thì tôi khá thành đạt với vị trí công việc tốt, thu nhập chỉ có đi lên. Nhưng kể từ khi hai vợ chồng góp tiền mua nhà vài năm trước, thì tài chính của tôi có phần bị công khai. Anh ấy bắt đầu thấy rằng tôi mua sắm nhiều quá.
Thật ra anh ấy không phải là không có lý, anh ấy nghĩ tôi không cần thêm quần áo, giày dép, túi xách nữa, tôi đã có đến 4 tủ chỉ dành cho áo khoác, 3 hệ thống ngăn kéo, một căn phòng toàn giày bao gồm sandal, giày cao gót, giày thể thao các kiểu nhét đầy các hộp trong gậm giường rồi. So với một khoang tủ duy nhất để đựng tất cả đồ của chồng, tôi quả là “lấn lướt” quá đáng.
Nhưng đối với tôi, đơn giản thời trang là phong cách sống. Tôi không mua tất cả cửa hàng, nhưng hiếm có tuần nào trôi qua mà không có thêm món đồ nào mới đáp trên bàn làm việc của tôi.
Tôi đã tự rút ra bài học là đồ mua nên đặt địa chỉ nhận ở cơ quan chứ không phải ở nhà, có đi mua sắm gì thì cũng mang về cơ quan trước. Bởi có lần, tôi đặt đồ ship về nhà. Họ giao đúng hôm chồng tôi đã về còn tôi thì chưa. Tôi phải nghĩ lâu lắm mới gọi điện được cho anh ấy để nói: “Em có một gói quà đang chờ nhận, anh ký cho em nhé”.
Rồi tôi lao vội về nhà nhưng tất nhiên là ông xã không lạ gì tính vợ đã mở gói đồ kiểm tra luôn, anh ấy không thốt lên lời suốt chiều đến tối hôm đó chỉ vì giá tiền món đồ tôi đã thanh toán còn in trên giấy gửi.
Kể từ đó tất nhiên là tôi “khôn” hơn. Mọi món đồ tôi mua đều phải lột sạch túi đựng, nhãn mác, hoá đơn… trước khi về nhà. Có lúc tôi mặc luôn đồ từ cơ quan rồi về, vờ như đồ đó từ sáng tôi đã mặc. Có lúc tôi lại giấu đồ xuống đáy tủ, rồi lại moi ra như chiến lợi phẩm, hết sức hân hoan: “A, em tìm được cái này, bỏ quên chưa mặc bao giờ từ lúc mua mới sợ!”. Tất nhiên chồng không tin là tôi đã “cai” được hẳn thói quen nghiện mua sắm, cho nên vẫn có lúc tôi để anh ấy thấy tôi mua đồ, toàn là đồ sale!
Công bằng mà nói, sở thích của tôi có thể khiến chồng hơi stress, nhưng nó cũng mang lại những thay đổi đáng kể trong phong cách thời trang của chồng. Dù ít đồ, nhưng đồ của anh ấy đều “chất” và không đến nỗi hết năm nay tháng khác anh ấy đều xuất hiện cùng một bộ dạng như ngày xưa. Người ta chẳng nói, “sang vì vợ” đấy còn gì. Không sai đâu.
Những ông chồng thích kiểm soát thói quen mua sắm của vợ, tôi nghĩ là nên bỏ đi, không giúp ích được gì. Về cơ bản, vợ của những ông chồng ấy cũng sẽ như tôi, không bỏ được, chỉ là biến hoá tinh vi hơn, từ kiểu này sang kiểu khác. Xét cho cùng, thói quen mua sắm, làm đẹp cho bản thân đối với một cô gái mà nói là cần thiết, cớ sao phải thay đổi chỉ vì cô ấy có thêm một ông chồng? Nếu vợ bạn có một công việc tốt và có khả năng tài chính vững vàng, hãy kệ cô ấy muốn làm gì thì làm với thú vui nữ tính này của cô ấy”...
Tác giả: H.A
Nguồn tin: Báo Dân trí