Xe

Quy định mới: Ô tô sang bất ngờ đắt thêm trăm triệu

Một loạt các quy định về sản xuất lắp ráp và kinh doanh nhập khẩu ô tô, được ban hành trong năm 2017, đã tác động mạnh tới thị trường ô tô. Xe nhập ngày càng gặp khó, trong khi xe nội đồng loạt giảm giá.

Từ ngày 1/7/2017, kinh doanh ô tô trở thành ngành nghề có điều kiện. Theo đó, các DN kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành bảo dưỡng ô tô phải đạt các điều kiện đặt ra của Chính phủ mới được hoạt động.

Tới 17/10/2017, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 116 quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Quy định mới ngay lập tức đã tác động tới thị trường ô tô, ngành công nghiệp ô tô và người tiêu dùng.

Hết đường về, xe nhập không rẻ

Theo quy định tại NĐ 116/2017, để kinh doanh ô tô nhập khẩu , cả xe chưa qua sử dụng lẫn xe đã qua sử dụng, DN phải có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh được quyền thay mặt nhà sản xuất lắp nước ngoài, thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam.

Giá xe nhập khẩu 2018 không rẻ như kỳ vọng (ảnh Lê Anh Dũng)

DN kinh doanh ô tô nhập khẩu chưa qua sử dụng phải đảm bảo chế độ bảo hành cho khách hàng. Ngoài ra, ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra, thử nghiệm theo quy định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với từng lô hàng nhập về. Phải cung cấp bản sao Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài.

Như vậy, xe nhập khẩu không chính hãng, kể cả xe mới lẫn xe cũ không còn đường về Việt Nam. Bởi các DN nhập khẩu không chính hãng, sẽ không thể nào “kiếm” được văn bản xác nhận, hoặc tài liệu chứng minh, được nhà sản xuất ở nước ngoài ủy quyền thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam. Nhiều DN nhập khẩu ô tô không chính hãng và ô tô cũ đã phải đóng cửa, ngừng hoạt động, chuyển hướng kinh doanh. Người tiêu dùng không còn lựa chọn dành cho những chiếc xe kiểu này được nữa.

Với những DN nhập khẩu xe chính hãng, lại “vướng” yêu cầu phải cung cấp Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu, được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài.

Thông thường ở các nước, cơ quan có thẩm quyền chỉ cấp giấy chứng nhận chất lượng cho xe bán ra trong nước. Do chưa thể lo được Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại từ cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu xe, nên từ tháng 11/2017, nhiều DN nhập khẩu ô tô chính hãng - nhất là xe từ khu vực ASEAN - đã phải hủy đơn hàng nhập khẩu, hủy hợp đồng đã ký với khách hàng. Nhiều mẫu xe nhập khẩu, được ưa chuộng, trên thị trường hết hàng, giá đẩy lên cao hơn giá công bố tới hàng chục triệu đồng cũng không tìm đâu ra.

Xe nhập không tràn vào, nhiều người tiêu dùng đang chờ đợi tới 2018 mua xe giá rẻ đã không thành hiện thực.

Cơ hội ô tô trong nước

Theo ý kiến từ một số DN, NĐ 116 đã đem lại hy vọng cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô trong nước. Khi xe nhập khẩu với giá rẻ không thể tràn vào thì xe sản xuất lắp ráp trong nước giữ được thị trường. Điều này tạo điều kiện cho những DN đang đầu tư lớn cho sản xuất ô tô phát triển.

Nghị định 116 đã đem lại hy vọng cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô trong nước.

Hiện cả nước có khoảng 173 DN sản xuất, lắp ráp ô tô, trong số này đã một số DN đầu tư với quy mô lớn như công ty Trường Hải, Hyundai Thành Công và gần nhất là dự án đầy tham vọng của Công ty Vinfast.

Trường Hải đã quyết định đầu tư 30.470 tỷ đồng vào xây dựng các nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô con, ô tô tải, ô tô khách và sản xuất linh kiện, nghiên cứu phát triển. Hoạt động đầu tư được triển khai mạnh trong năm 2017. Với quy mô 8 nhà máy lắp ráp, 19 nhà máy sản xuất linh kiện và dịch vụ, hậu cần. Cùng với hoạt động đầu tư chiều sâu này, số lao động trong chuỗi giá trị của Trường Hải sẽ tăng từ 60.000 người hiện nay lên 150.000 người sau năm 2018.

Công ty Hyundai Thành Công, đang xây dựng một khu CN sản xuất ô tô hiện đại dành cho xe con, xe tải và xe buýt với quy mô vốn đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng, tạo ra việc làm cho hơn 80.000 lao động tại Ninh Bình.

Còn Vinfast có kế hoạch đầu tư 3,5 tỷ USD sản xuất 500.000 xe ô tô/năm, tỷ lệ nội địa hóa 60%. Giai đoạn 1 là 100.000 xe/năm, sau 2 năm sẽ có sản phẩm ra mắt.

Qua việc đầu tư số vốn lớn với công nghệ hiện đại sẽ giúp phát triển ngành công nghiệp ô tô non trẻ của Việt Nam tăng nội địa hóa, hướng tới xuất khẩu xe, tạo ra nhiều việc làm và đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.

Theo các DN, với thị trường lớn và phát triển nhanh, đây là cơ hội để thúc đẩy công nghiệp ô tô, tránh được hiện tượng hàng chục nghìn lao động có nguy cơ mất việc làm.

Sự phát triển công nghiệp ô tô với tỷ lệ nội địa hoá cao sẽ mang lại giá trị cho nền kinh tế, như tạo việc làm, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, chuyên môn kỹ thuật, phát triển các ngành công nghiệp khác, đặc biệt là cơ khí, điện tử, hóa chất, giảm nhập siêu,...

Khi xe trong nước đạt doanh số lớn sẽ tạo điều kiện để tung ra nhiều sản phẩm mới và giảm giá. Trên thực tế, những tháng cuối năm 2017, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước liên tục ra mắt sản phẩm mới, giá xe cũng giảm mạnh. Các DN cho biết, sắp tới những mẫu xe sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam còn nhiều hơn nữa, giá bán rất cạnh tranh và người tiêu dùng được hưởng lợi.

Tác giả: Trần Thủy

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP