Trong nước

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp thứ 6

Chủ tịch Quốc hội đề nghị sắp xếp các phiên chất vấn vào cuối kỳ họp để tăng sức hấp dẫn với người dân và đại biểu.

Chiều 13/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 25. Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đọc báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá 14.

Về công tác lập pháp, kỳ họp này Quốc hội đã thông qua 7 luật và cho ý kiến 9 dự án luật. Riêng với dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Đặc khu), trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu, nhân dân và cử tri, cân nhắc nhiều mặt, Quốc hội đã quyết định điều chỉnh lùi thời gian thông qua dự án luật này sang kỳ họp sau để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng, tính khả thi.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Quốc hội

"Việc lùi thời hạn thông qua dự án luật Đặc khu đã thể hiện tinh thần cầu thị, sự thận trọng cần thiết của Quốc hội và Chính phủ", ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Tại phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ 6 kéo dài 21 ngày (từ 22/10 đến 19/11).

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 11 dự luật: Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Công an nhân dân (sửa đổi); Đặc xá (sửa đổi); Giáo dục (sửa đổi); sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Chăn nuôi; Trồng trọt; Cảnh sát biển Việt Nam; Bảo vệ bí mật nhà nước; sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch.

Quốc hội cho ý kiến 6 dự luật: Kiến trúc; Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Quản lý thuế (sửa đổi); sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Hành chính công.

Quốc hội sẽ thảo luận các vấn đề kinh tế, xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát các vấn đề quan trọng khác.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Quốc hội dành 1 ngày lấy phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Góp ý về việc này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề xuất lấy phiếu tín nhiệm trước, chất vấn sau. Nhằm tránh trường hợp các Bộ trường trả lời chất vấn tại kỳ họp này có trục trặc nào đó thì khi bỏ phiếu tín nhiệm sẽ bất lợi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị nên dành 1/3 thời lượng cuối kỳ họp để chất vấn nhằm tăng sức hấp dẫn, chờ đợi của cử tri và đại biểu.

Bà Ngân đề nghị Chính phủ và Quốc hội phải chuẩn bị chu đáo ngay từ bây giờ để việc bỏ phiếu tín nhiệm không xảy ra trục trặc gì.

Đồng thời, kỳ họp thứ 6 không chọn một số bộ trưởng trả lời chất vấn, mà các thành viên Chính phủ từ Thủ tướng, phó Thủ tướng, Bộ trưởng đều tham gia giải trình về những chất vấn trước đó đã thực hiện đến đâu.

Điều 18 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 về lấy phiếu tín nhiệm, quy định Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm các chức danh: Chủ tịch nước; phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; phó Chủ tịch Quốc hội; Uỷ viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ tịch Hội đồng dân tộc; chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng; phó Thủ tướng; Bộ trưởng; thủ trưởng cơ quan ngang bộ; chánh án Tòa án nhân dân tối cao; viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao; tổng Kiểm toán nhà nước.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức.

Có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.

Tác giả: Viết Tuân

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP