Ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2017 đánh dấu bước phát triển mới của tỉnh Quảng Nam sau 20 năm tái lập tỉnh, Quảng Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội rất quan trọng.
Từ chỗ chỉ có số lượng rất ít các doanh nghiệp (DN) với quy mô nhỏ, đến nay toàn tỉnh có gần 6.000 DN đang hoạt động, trong đó có 147 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 5,57 tỷ USD.
Tỉnh Quảng Nam kêu gọi các DN Hàn Quốc đầu tư vào tỉnh |
Trong số hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trực tiếp tại Quảng Nam, Hàn Quốc là quốc gia có số dự án nhiều nhất với 31 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 250 triệu USD. Hiện có 20 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh và các dự án còn lại đang triển khai xây dựng.
“Nhìn chung, các dự án của DN Hàn Quốc hoạt động có hiệu quả, chấp hành tốt quy định pháp luật liên quan của Việt Nam. Số liệu năm 2017 cho thấy, các DN đang hoạt động đã giải quyết việc làm cho gần 10.000 lao động, doanh thu đạt 60 triệu USD, xuất khẩu đạt 34 triệu USD, nộp ngân sách gần 1,5 triệu USD”, ông Lê Trí Thanh phát biểu.
Lãnh đạo tỉnh cũng ghi nhận, biểu dương và cảm ơn sự đóng góp đó của các DN Hàn Quốc vì những con số trên cho thấy các DN Hàn Quốc đã góp một phần đáng kể vào sự phát triển chung của tỉnh Quảng Nam.
Ông Thanh cũng nhấn mạnh, so với quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc cũng như so với đầu tư của Hàn Quốc vào các khu vực khác của Việt Nam thì kết quả trên còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của cả 2 bên nên tỉnh Quảng Nam mong muốn thời gian tới, mối quan hệ hợp tác giữa hai bên được đẩy mạnh hơn nữa.
Các nhà đầu tư tham quan tìm hiểu tại Khu phức hợp ô tô Trường Hải, Khu kinh tế mở Chu Lai |
“Thông qua chương trình “Gặp gỡ nhà đầu tư Hàn Quốc năm 2017”, tỉnh Quảng Nam mong muốn được tiếp tục hợp tác mạnh mẽ hơn nữa với các đối tác và các nhà đầu tư Hàn Quốc và cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư Hàn Quốc hoạt động thành công tại tỉnh Quảng Nam. Chúng tôi hy vọng nhiều nhà đầu tư, nhiều DN Hàn Quốc sẽ biết đến tỉnh Quảng Nam, tiến hành khảo sát địa điểm và sẽ thực hiện đầu tư tại tỉnh Quảng Nam”, ông Lê Trí Thanh nói.
Quyết định chọn Quảng Nam thành lập công ty, ông Han Chul Joo - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng cho biết, công ty ông đã khảo sát nhiều khu vực và cuối cùng đã chọn Quảng Nam vì theo ông đây là vùng đất xứng đáng “đất lành chim đậu”.
“Quảng Nam có cơ hội rất lớn trong việc phát triển kinh tế công nghiệp, có cơ sở hạ tầng về cảng hàng không, cảng biển, giao thông thuận lợi, nguồn lao động có tay nghề cao và là vùng đất có sự tăng trưởng nhanh chóng. Chính vì vậy công ty chúng tôi đặt chân đến đây, với nhà máy may mặc khép kín ở KCN Tam Thăng với 5.000 lao động đang làm việc”, ông Han Chul Joo chia sẻ.
Còn ông Ryu Hang Ha - Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc Kocham tại Việt Nam cũng cho rằng, tỉnh Quảng Nam có vị trí địa lý, môi trường đầu tư và cơ sở hạ tầng tốt nên rất thuận lợi với nhà đầu tư Hàn Quốc.
Theo ông, tỉnh Quảng Nam nằm giữa hai đầu đất nước, thuận lợi về giao thông, có đầy đủ cơ sở hạ tầng, đối với những nhà đầu tư các tiện ích như vậy là một trong những yếu tố quan trọng để quyết định đầu tư vào một địa phương nào đó.
“Tôi có thể khẳng định là các DN Hàn Quốc rất quan tâm đến tỉnh Quảng Nam và dự định đầu tư vào đây rất lớn. Ngày hôm qua tôi được biết có một doanh nghiệp Hàn Quốc đã ký biên bản hợp tác, mở nhà máy ở KCN Tam Thăng. Tỉnh Quảng Nam nên xúc tiến, kêu gọi đầu tư nhiều hơn nữa đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc”, ông Ryu Hang Ha nói.
Về định hướng thu hút đầu tư, trong tổng số 31 dự án của các DN Hàn Quốc, có 2 dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Tam Anh và Đông Quế Sơn mở rộng. Ngoài ra, tại KCN Tam Thăng trong tổng số 13 dự án được cấp phép có 11 dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc, trong đó Công ty Panko E&D thời gian qua đã phối hợp tốt trong công tác kêu gọi đầu tư nên hiện nay có nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đang quan tâm đầu tư tại KCN này. Các lĩnh vực cụ thể ưu tiên thu hút các DN Hàn Quốc gồm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các KCN, cụm công nghiệp; lĩnh vực công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất và lắp ráp ô tô; công nghiệp điện, điện tử; công nghiệp hỗ trợ ngành may mặc, da giày; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm thủy sản; lĩnh vực nông nghiệp áp dụng kỹ thuật tiên tiến như trồng và chế biến các loại thảo dược quý có giá trị kinh tế cao… |
Tác giả: Công Bính
Nguồn tin: Báo Dân trí