Theo ông Toru Kinoshita, Trưởng Nhóm Công tác Ô tô và Xe máy: Nghị định 116 quy định về sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô vừa được ban hành và có hiệu lực còn tồn tại nhiều bất cập, cần sửa đổi.
Thử nghiệm từng lô sẽ tốn 10.000 USD/lô và không có ý nghĩa
Theo nhóm ô tô xe máy, quy định tại Nghị định 116 về yêu cầu thử nghiệm đối với từng lô xe nhập khẩu dù cho cùng chung dòng xe, đơn hàng, các doanh nghiệp (DN) ô tô không thể tuân thủ được quy định này.
|
Gánh nặng của việc cùng một kiểu loại xe nhập khẩu mà vẫn bị thử nghiệm lại nhiều lần về khí thải và an toàn theo từng lô hàng nhập khẩu không có ý nghĩa, gây thiệt hại.
"Quy định này không hề có ý nghĩa về mặt quản lý chất lượng, và chỉ làm lãng phí thêm thời gian (lên tới 2 tháng) và làm tăng chi phí (lên tới 10 nghìn USD) cho việc thử nghiệm theo từng lô hàng", Nhóm công tác trên khẳng định.
Trưởng Nhóm ô tô xe máy khẩn thiết đề nghị: Bộ Giao thông vận tải và Cục đăng kiểm Việt Nam khi tiến hành dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 116 cần bổ sung quy định chỉ thử nghiệm khí thải và an toàn cho lô hàng đầu tiên, và chấp nhận báo cáo thử nghiệm cho các lô hàng tiếp theo như quy định hiện hành, mà không cần thử nghiệm lại.
Ngoài ra, 3 vấn đề nêu trên có thể đặt Việt Nam vào tình huống không tuân thủ với các thông lệ và cam kết quốc tế. Ví dụ theo như Hiệp định thương mại Việt Nam - EU tới đây, Việt Nam sẽ tự động chấp thuận mà không yêu cầu phải thử nghiệm lại đối với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn tương đương hoặc cao hơn đã được chứng nhận bởi Liên minh châu Âu.
Chỉ có Việt Nam mới yêu cầu Chứng nhận kiểu loại
Báo cáo của Nhóm công tác ô tô xe máy cho rằng, quy định yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.
"Đa số các doanh nghiệp ô tô đều không thể tìm được bất kỳ một giấy chứng nhận kiểu loại nước ngoài nào theo như mô tả tại Nghị định 116", Nhóm báo cáo cho biết.
Theo nhóm chuyên môn của VBF, Chính phủ của mỗi quốc gia tiến hành thử nghiệm và cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn của quốc gia đó cho các xe ô tô tiêu thụ trong nước mà thôi, các xe ô tô sản xuất để xuất khẩu không thuộc đối tượng này.
Các xe ô tô xuất khẩu được sản xuất với mục tiêu đáp ứng mong đợi của khách hàng và tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể của từng quốc gia nhập khẩu. Do đó, sẽ luôn có sự khác biệt nhất định giữa thông số kỹ thuật của xe xuất khẩu và xe tiêu thụ trong nước.
Ngoài ra, một số quốc gia cũng không có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại cho toàn xe vì Chính phủ chỉ kiểm tra khí thải, hoặc để nhà sản xuất tự chứng nhận.
Đường thử chuẩn, nhiều DN xe không thể đáp ứng
Yêu cầu mới về chiều dài đường thử, theo điểm a, khoản 1, Điều 7 và mục IV của Phụ lục I, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô cần phải có “…đường thử xe có chiều dài tối thiểu 800m…”, với tối thiểu 400m đường thẳng trước ngày 17/4/2019.
Theo Nhóm công tác, Nghị định yêu cầu bắt buộc đối với các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phải sở hữu hoặc thuê đường thử có tổng chiều dài lên tới 800m. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, hầu như không có doanh nghiệp nào có sẵn đường thử đáp ứng điều kiện của Nghị định 116.
Điều này có nghĩa là các DN cần phải xin thêm đất và đầu tư thêm vào việc xây đường thử mới hoặc mở rộng đường thử hiện tại, hay phải có hợp đồng thuê đường thử.
"Nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng được yêu cầu này do không có đủ đất cho việc xây dựng mới hoặc mở rộng thêm đường thử. Việc thuê đường thử cũng có nhiều khó khăn do chi phí lớn. Đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT không áp dụng hồi tố yêu cầu này đối với các nhà sản xuất đã đầu tư và đang hoạt động bình thường hiện nay", Nhóm công tác ô tô cho hay.
Tác giả: Nguyễn Tuyền
Nguồn tin: Báo Dân trí