Theo nghề từ nhỏ
Ở xã biển Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới, Quảng Bình), cuộc sống của người không có ruộng đồng, vườn tược nên phải bám biển, bám sông đánh bắt cá, tôm để mưu sinh. Những ngọn gió mang vị mặn mòi của biển và mùi nồng tanh của hải sản thấm vào từng làn da, hơi thở của những đứa trẻ từ lúc sinh ra.
Cuộc sống gắn liền con thuyền lênh đênh trên biển cùng mớ ngư lưới cụ ra khơi đã hòa quyện vào cuộc sống sinh hoạt từng ngày của tráng đinh nơi đây.
Sóng nước và biển khơi đã trở thành mái nhà của nhiều ngư dân, khi họ sống trên biển nhiều hơn trên bờ. Đầu sóng ngọn gió của biển cả cũng là nơi họ mưu sinh nuôi gia đình và làm giàu cho quê hương.
Tàu đánh cá ngư dân xã Bảo Ninh ra khơi từ cửa biển Nhật Lệ |
Về Bảo Ninh, tìm đến gia đình ông Lại Thế Ngọc (64 tuổi, thôn Hà Dương) một trong những lão làng đi biển mới giải nghệ. Dẫu rằng đi biển phải có sức khỏe tốt, nhanh nhẹn mới đương đầu với những trận sóng vỗ mạnh, gió giật trên biển. Thế nhưng với ông Ngọc, nguyên nhân giải nghệ không phải ở tuổi tác cao, mà do đôi mắt của ông không được tinh tường nữa, nên trên tàu không giúp được con cháu nhiều.
Khuôn mặt cháy sạm làn da và đôi mắt hơi đục hướng về dòng Nhật Lệ, ông bắt đầu câu chuyện “Đã 4 tháng nay không đi biển, ngồi ở nhà bủn rủn chân tay lắm, ngồi đây nghe tiếng máy tàu chạy trên sông cho đỡ nhớ biển. Ra ngoài biển làm không biết mệt, ăn gì cũng thấy ngon, nhưng vào bờ nghỉ thì ăn uống kém hẳn không được như trước ra biển vùng vẫy cho sảng khoái”.
Ông kể, ngày trước, cũng như bao đứa trẻ khác lớn lên ở dải cát Bảo Ninh này, trong môi trường tiếp xúc với nghề đánh bắt thủy sản. Những đứa trẻ được kể về đặc điểm các loài cá, loài cua, được làm quen với ngư cụ và cũng biết nhìn trời để biết thời tiết và đoán giông bão.
Những con cá hồng tươi ngon được đưa lên bờ |
“Để nhận biết đàn cá, từ xa có thể nhìn vào chim bay chao tập trung, bọt nước từng đám, hay màu nước đổi khác. Chưa có các thiết bị dò cá như bây giờ, nên nhận biết bằng mắt là để phát hiện vị trí lái thuyền tới bủa lưới vây. Có lần bố tôi phát hiện ra đàn cá cách gần 1km, ông chỉ cho tôi và chỉ cách phân biệt đặc điểm con sóng có ánh bạc khác với vùng nước khác”.
Khi một thuyền cá phát hiện đàn cá, thường họ vẫn giữ tốc độ chạy và hướng đến vị trí xác định. Sở dĩ thuyền không tăng tốc vì các thuyền khác phát hiện ra sẽ kéo đến đánh vây cùng, sẽ được ít. Nhưng bây giờ, đi đánh cá bằng tàu lớn, xa bờ nên khi phát hiện đàn cá lớn các tàu sẽ thông báo cho nhau đến vây đánh cùng, sau về chia sản phẩm. Tàu nào phát hiện ra đàn cá sẽ được hưởng nhiều hơn.
Tiếp bước cha ông
Ông Ngọc cũng không biết làng mình đánh cá từ bao giờ, có lẽ từ khi thành lập làng từ hàng trăm năm trước. Những tráng đinh trong làng cứ theo cha, anh đi theo tàu, thuyền lênh đênh trên biển. Ông có 7 người con thì 4 người con trai theo nghề của cha từ tấm bé, còn 3 cô con gái thì buôn bán hải sản ở chợ Đồng Hới.
Thương lái thu mua cá tại cảng. |
Để duy trì và phát triển nghề đánh cá, bố con ông Ngọc từng bước hoán cải tàu cũ, công suất nhỏ lên thành tàu lớn hơn. Hiện tại, con tàu của gia đình có công suất 450Cv, được giao cho con cả Lại Thế Lâm làm chủ tàu. Ngoài con trai thì 3 chàng rể của ông Ngọc cũng đầu tư đóng những con tàu mới để đánh bắt xa bờ.
Anh Hoàng Tình (con rể ông Ngọc) một trong những ngư dân táo bạo trong việc đi đầu đóng tàu công suất lớn. Năm 2012, anh Tình đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài về, để tiếp tục nghề của địa phương, anh đã cầm cố bìa đất và vay mượn thêm bạn bè đầu tư đóng mới con tàu công suất 500CV với giá trị hơn 3,5 tỉ đồng.
“Trước kia cha ông chỉ có thuyền nhỏ, nên đánh bắt gần bờ, bây giờ tàu lớn, máy móc hiện đại nên khai thác được xa, tàu chịu được gió cấp 7, cấp 8. Bên cạnh đó, thủy sản đánh bắt về là tiêu thụ ngay tại tàu luôn, rất thuận tiện, không phải bảo quản tại tàu như trước. Các dịch vụ cung cấp hậu cần đầy đủ, nên cũng thuận lợi cho công việc ra khơi được liên tục, tăng năng suất hơn” anh Tình cho biết.
Ông Lại Thế Ngọc (64 tuổi, xã Bảo Ninh) “Sau khi nghỉ đi biển, lại thấy nhớ biển muốn được ra khơi. Xa biển, ở nhà ăn gì cũng không ngon miệng” |
“Khi mình có tàu lớn thì các gia đình khác họ cũng hoán cải, đóng mới để cùng tham gia đánh bắt xa bờ, và cứ thế, tàu công suất cứ lớn dần. Lớp cha ông chỉ bảo kinh nghiệm, lớp con cháu sức trẻ mạnh dạn đầu tư, nên tàu đánh cá ngày càng vươn ra khơi xa. Giờ những con tàu đánh cá trên 1000CV là chuyện thường, không còn là giấc mơ nữa”, anh Lại Thế Lâm kể.
Xã Bảo Ninh hiện nay có 49 tổ đoàn kết, 2 tổ hợp tác cùng hơn 450 tàu cá các loại, thu hút trên 2200 lao động, đánh bắt hàng ngàn tấn hải sản đưa về nguồn thu hơn 500 tỉ đồng/năm.
“Nghề đi biển thu nhập cũng tùy theo từng chuyến, nhưng sau khi sự cố môi trường biển miền trung năm 2016, thì những chuyến đi biển đều có lãi cao. Thương lái thu mua cũng được giá nên bà con phấn khởi. Chỉ còn một nỗi lo là luồng lạch ra vào cửa Nhật Lệ hơi cạn, nên mỗi lần tàu qua lại phải chờ thủy triều lên” ngư dân Hoàng Long cho biết.
Tác giả: Thanh Hà
Nguồn tin: Báo Infonet