Mỏ đá Nam Lèn Áng – nơi xảy ra vụ tai nạn lao động thương tâm khiến anh Mạnh tử vong tại chỗ |
Vừa qua, Báo PLVN đã phản ánh về tình trạng khai thác đá mất an toàn lao động (ATLĐ) khiến công nhân tử vong, gây mất an toàn ở khu dân cư và ô nhiễm môi trường tại mỏ đá ở khu vực Nam Lèn Áng, xã Ngân Thủy.
Phó giám đốc chối bỏ, lời lẽ thiếu văn hóa
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo PLVN, ngày 18/1/2016, UBND tỉnh Quảng Bình đã có quyết định giao Công ty CP Xi măng Vicem Hải Vân thuê đất tại Nam Lèn Áng, xã Ngân Thủy để khai thác đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng cho Nhà máy xi măng Vicem Vạn Ninh (thuộc Vicem Hải Vân) đóng tại xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình).
Tuy nhiên sau đó, Vicem Hải Vân đã không trực tiếp khai thác mỏ đá này mà hợp đồng với Chi nhánh Công ty CP Xây dựng 1369 Quảng Bình (đóng tại thôn 3, xã Ngân Thủy) và giao cho chi nhánh này phụ trách việc khai thác, đưa nguyên liệu về phục vụ sản xuất tại Nhà máy Vicem Vạn Ninh.
Nhận được thông tin về việc công nhân tử vong khi đang làm việc tại mỏ đá Nam Lèn Áng do thiếu ATLĐ, chúng tôi đã liên lạc với ông Hoàng Xuân Thịnh – Giám đốc Nhà máy xi măng Vicem Vạn Ninh thì được ông Thịnh cho biết, không hề nắm, biết hoặc được nghe đơn vị khai thác thông báo gì về vụ việc này.
Được biết, Chi nhánh Công ty Cổ phần xây dựng 1369 Quảng Bình là đơn vị trực thuộc Công ty Cổ phần xây dựng 1369 (địa chỉ tại phố Dã Tượng, phường Lê Thanh Nghị, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) do người đại diện pháp luật là ông Lê Anh Luân làm Giám đốc. Chi nhánh xã Ngân Thủy do ông Lê Văn Sáu – Phó Giám đốc là người trực tiếp phụ trách điều hành các hoạt động.
Phóng viên đã trực tiếp gặp ông Sáu để tìm hiểu về các thông tin mà bạn đọc phản ánh. Khi thấy chúng tôi xuất trình các giấy giới thiệu, ông Sáu trả lời: “Tôi không quan tâm”.
Khi được hỏi về thông tin tại mỏ đá do chi nhánh đang khai thác có xảy ra TNLĐ, ông Lê Văn Sáu trả lời rằng: “Chỉ xây xát nhẹ thôi chứ có cái gì đâu. Người ngoài Bắc là em trai tôi đi xe máy húc trên đường vào mỏ thì ngã thôi, đấy cũng là tai nạn chứ cái gì. Tử vong đâu mà tử vong! Mấy mỏ bên kia tử vong từ lâu lắm rồi bây giờ các ông (ý nói phóng viên) nói ở đây. Mỏ nào chẳng có cái sự tai nạn”.
Sau một hồi nói vòng vo, ông Sáu lại nói: “Chẳng có vụ tai nạn nào hết. Còn việc ý kiến phản ánh cho các ông cơ quan, đoàn thể nào thì tôi chịu. Công ty giao cho tôi làm như nào thì tôi làm như đấy. Tôi mới nhận công tác trong này nên không biết…”.
Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Sáu- với chức vụ là Phó Giám đốc- đã làm việc tại mỏ đá Nam Lèn Áng đã 3, 4 năm nay. Điều đáng nói, trong quá trình chúng tôi phỏng vấn, ông Sáu tỏ vẻ bất hợp tác, thiếu tôn trọng với phóng viên và liên tục dùng những từ chửi thề, thiếu văn hóa mà chúng tôi không thể trích dẫn.
Phó giám đốc Lê Văn Sáu ngồi trao đổi với phóng viên với thái độ bất hợp tác và thiếu tôn trọng |
Chính quyền khẳng định có, dân tố gây ô nhiễm
Trái với thái độ vô trách nhiệm, lạnh lùng từ phía Chi nhánh Cty CP xây dựng 1369 Quảng Bình, ông Hồ Văn Hầu – Trưởng Công an xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy lại khẳng định, đó là sự việc đáng tiếc xảy ra tại mỏ đá Nam Lèn Áng. Theo ông Hầu, nạn nhân không may gặp phải tai nạn thương tâm là anh Lê Văn Mạnh (SN 1976, quê ở xã Duy Tân, huyện Kim Môn, tỉnh Hải Dương) – công nhân mỏ đá này vào làm việc và lập gia đình ở huyện Lệ Thủy đã được 2 năm nay.
Cụ thể, vào khoảng 7h30 ngày 8/9, trong lúc leo lên 1 địa điểm rất cao trên núi đá để kiểm tra các lỗ khoan, chuẩn bị cho nổ mìn tại vực mỏ đá của Chi nhánh Công ty CP xây dựng 1369 Quảng Bình thì anh Mạnh bị trượt chân ngã xuống đất và tử vong tại chỗ. Khi leo lên làm việc, anh Mạnh không hề mang bất cứ một thiết bị bảo hiểm nào.
Cũng theo ông Hầu, đây là lần đầu tiên địa bàn xã xảy ra vụ chết người khi khai thác mỏ mà nguyên nhân chính là do phía đơn vị khai thác không tính đến việc đảm bảo ATLĐ. Ngoài ra, việc khai thác mỏ đá ở đây cũng gây ảnh hưởng xấu không nhỏ đến người dân khu địa phương.
Ông Phạm Đình Quang, một người dân ở Ngân Thủy có nhà nằm gần mỏ đó cho hay, việc khai thác mỏ đá Nam Lèn Áng ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. “Từ khi có mỏ đá là từ đó chúng tôi phải sống chung với khói, bụi mù mịt. Sống mà như ngồi trên lửa, thấp thỏm lo âu bởi mỗi lần mỏ đá cho nổ mình thì như ở trong vùng động đất. Nhiều nhà dân đã bị nứt do chấn động của việc nổ mìn, tình trạng này tiếp diễn chắc nhà sập lúc nào không hay”, ông Quang lo lắng nói.
Tình trạng xảy ra TNLĐ liên tục tại các mỏ đá gây chết người vẫn đang là vấn đề nhức nhối ở tỉnh Quảng Bình. Nguyên nhân chính là do các chủ mỏ, đơn vị khai thác cũng như người lao động quá xem nhẹ và chưa tuân thủ các quy định về ATLĐ. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng đối với các đối tượng vi phạm vẫn chưa phát huy hiệu quả.
Riêng đối với mỏ đá tại Nam Lèn Áng, vấn đề ô nhiễm môi trường, nhà dân đang bị nứt và mất ATLĐ của đơn vị khai thác mỏ cần được cơ quan chức năng, nhất là cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên- môi trường đánh giá kiểm tra và làm rõ.
Tác giả: Trần Nguyên Phong - Nguyễn Tấn
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam