Nhân viên Tổ chức MAG tiến hành xử lý bom sót lại sau chiến tranh tại các địa phương trong tỉnh Quảng Bình. Ảnh: TTXVN phát |
Gia đình ông Nguyễn Văn Chiến (xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) sống gần bến phà Xuân Sơn và đường Ba Trại, những nơi từng là “túi bom đạn” thời kháng chiến. Hàng chục năm qua, ông Chiến và người dân địa phương vẫn sinh sống, canh tác sản xuất ở khu vực tiềm ẩn nguy hiểm do còn nhiều vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh.
Ông Nguyễn Văn Chiến cho biết, trước đây mỗi lần trồng cây, vợ chồng ông chỉ dám cuốc nhẹ trên bề mặt, không dám đào sâu thêm vì nỗi lo về bom, đạn còn sót lại vẫn luôn thường trực. Gia đình cũng cảm thấy vô cùng may mắn vì sinh sống trên mảnh đất chứa nhiều vật liệu nổ nhưng chưa gặp phải tai nạn đáng tiếc nào. Khi nhân viên của Tổ chức MAG tiến hành rà phá và xử lý bom mìn ở khu vực gia đình sinh sống và ở xã Cự Nẫm, ông Chiến cùng hàng trăm hộ dân khác đã yên tâm khai thác tối đa khu đất vào sản xuất, chăn nuôi, mang lại giá trị kinh tế cao. Riêng khu vườn rộng 4.500 m2 của gia đình ông Chiến đã được phát hiện, xử lý 8 quả bom chùm, làm sạch toàn bộ khu đất.
Không chỉ tại xã Cự Nẫm, hàng chục năm qua, các nhân viên của Tổ chức MAG luôn có mặt trên nhiều mảnh đất được xác định là “túi bom đạn”, dùng các phương tiện, máy rà dò tìm vật liệu nổ còn sót lại, xử lý để mảnh đất an toàn và bàn giao lại cho người dân canh tác, sinh sống.
Nhân viên Tổ chức MAG dùng phương tiện, máy móc rà phá, xử lý bom mìn sau chiến tranh tại các địa phương trong tỉnh Quảng Bình. Ảnh: TTXVN phát |
Ông Nguyễn Thanh Hà, Quản lý hoạt động của Dự án MAG Quảng Bình cho biết, đây là tổ chức phi chính phủ của Anh, hoạt động tại Quảng Bình từ năm 2003 nhằm giáo dục nguy cơ về bom mìn và tiến hành rà phá tại các khu vực ô nhiễm bom, mìn, vật nổ. Công việc tiềm ẩn rủi ro và nguy hiểm, chỉ một sơ suất, sai lầm nhỏ cũng có thể gây hậu quả khôn lường. Vì thế, khi vào ca làm việc, các nhân viên phải tập trung cao độ, luôn thận trọng, tỉ mỉ, chú ý toàn tâm vào công việc để đảm bảo an toàn.
Sau hơn 20 năm hoạt động, Dự án MAG tại Quảng Bình đã phát hiện và hủy nổ thành công hơn 147.000 vật liệu nổ các loại và thực hiện 1.755 cuộc truyền thông giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn. Những hoạt động trong dự án được người dân, chính quyền địa phương đánh giá cao; góp phần giảm thiểu nguy cơ về tai nạn bom mìn.
Tác giả: Tá Chuyên
Nguồn tin: Báo Tin tức