Tin địa phương

Quảng Bình hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bom mìn

Các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bom mìn 4/4 nhằm nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của bom mìn và vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tới đông đảo người dân, đặc biệt là đối tượng học sinh, từ đó góp phần giảm thiểu số lượng tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra.

Ngày 24/3, tại TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), cơ quan hợp tác quốc tế Đại hàn dân quốc (KOICA), Tổ chức phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Tỉnh đoàn Quảng Bình phối hợp tổ chức các hoạt động – Hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bom mìn 4/4 với các hoạt động mít tinh, diễu hành và cuộc thi vẽ tranh chủ đề “Vì cộng đồng an toàn, không có tai nạn bom mìn”.

Hoạt động diễu hành hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bom mìn 4/4.

Các hoạt động trên nằm trong hợp phần Giáo dục nguy cơ bom mìn của Dự án Việt Nam – Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (KV-MAP). Dự án được triển khai trên 4 hợp phần và khảo sát, rà phá bom mìn; hỗ trợ nạn nhân quản lý thông tin và giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn.

Hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của bom mìn và vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tới đông đảo người dân, đặc biệt là đối tượng học sinh, từ đó góp phần giảm thiểu số lượng tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra tại Quảng Bình.

Được biết, trong suốt thời gian diễn ra sự kiện này, các hoạt động như “Tìm hiểu kiến thức về bom mìn, vật nổ và cách phòng tránh”, vẽ tranh tập thể với sự tham gia của hàng trăm đại biểu, học sinh, đoàn viên thanh niên đã mang lại không khí vui tươi, sôi nổi cho buổi lễ.

Tiếp nối hoạt động tổ chức tại Quảng Bình, một sự kiện tương tự sẽ được tổ chức tại Bình Định. Đây là 2 địa bàn theo ước tính có tới 30-40% diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn và vật nổ sau chiến tranh.

Theo ước tính, Quảng Bình là địa bàn có tới 30-40% diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn và vật nổ sau chiến tranh.

Ông Trần Hữu Thành, đại diện Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam cho biết: "Việt Nam là một trong những quốc gia có tình trạng ô nhiễm bom mìn nặng nề nhất trên thế giới. Sau 40 năm kể từ khi chiến tranh kết thúc, bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh hiện vẫn đang đe dọa đến cuộc sống của nhiều người dân, ảnh hưởng rất lớn đối với an sinh và sự phát triển kinh tế của đất nước. Để khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, cùng với những nỗ lực của Chính phủ trong việc nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực, trang thiết bị rà phá bom mìn, tập huấn nâng cao năng lực cho các lực lượng tham gia rà phá bom mìn, công tác tuyên truyền giáo dục cho người dân về nguy cơ bom mìn cũng rất cần thiết".

Theo kết quả khảo sát “Lập bản đồ và Khảo sát quốc gia ô nhiễm vật liệu nổ sau chiến tranh”, trong giai đoạn 2010 – 2014, tất cả 63/63 tỉnh thành phố trên toàn quốc đều bị ô nhiễm vật nổ sau chiến tranh. Tổng diện tích đất đai bị ô nhiễm là 6.1 triệu hecta, chiếm 18,71% diện tích cả nước.

Để hỗ trợ nỗ lực loại bỏ vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam, Chính phủ Hàn Quốc và Việt Nam đã xây dựng Dự án Việt Nam – Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án, trong đó giao Bộ Quốc phòng là cơ quan thực hiện và Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án.

Tác giả: Ngô Thị Huyền

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP