Tin địa phương

Quảng Bình: Nhiều nhà thầu điêu đứng vì giá vật liệu xây dựng tăng cao

Gần đây, giá các loại vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đồng loạt tăng cao khiến nhiều chủ đầu tư, nhà thầu điêu đứng.

Giá vật liệu tăng khiến chi phí xây dựng công trình đầu tư bị đội lên nhiều so với dự tính.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, tại thị trường Quảng Bình giá thép thanh, thép cuộn có giá khoảng từ 19-20,5 triệu đồng/tấn là mức cao nhất từ trước đến nay. Chỉ riêng từ đầu tháng 3/2022 đến nay, giá thép đã tăng 3 lần liên tục với tổng mức tăng 1,6 triệu đồng/tấn.

Không chỉ giá thép tăng phi mã, tăng cao, các loại vật liệu xây dựng khác như: Cát, xi măng, bê tông tươi, nhựa đường… cũng đồng loạt tăng. Hiện xi măng có giá từ 1,4-1,75 triệu đồng/tấn, tăng 150 nghìn đồng/tấn. Cát từ 260-280 nghìn đồng/m3, tăng 55 nghìn đồng/m3 so với thời điểm đầu năm 2022.

Anh Trần Long - quản lý một cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng tại huyện Bố Trạch chia sẻ: Việc tăng giá thép do nhà máy tăng, chứ không phải do đơn vị kinh doanh tăng. Giá vật liệu xây dựng tăng để bù lại chi phí xăng dầu, cước vận chuyển… Hiện, giá thép đang ở mức lập đỉnh, gây khó khăn cho việc nhập hàng từ nhà máy do nguồn cung khá khan hiếm. Để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, đơn vị kinh doanh tiếp tục tìm cách đẩy nhanh việc nhập hàng, hạn chế thời gian hao phí, kịp thời cung ứng cho việc xây lắp công trình của khách hàng.

Công trình nhà ở dân sinh phải kéo dài thời gian thi công để có nguồn vốn hỗ trợ.

Khi giá các loại vật liệu xây dựng đồng loạt tăng đã tác động trực tiếp đến chi phí xây dựng các công trình, gây áp lực rất lớn cho các nhà thầu. Nhận thầu công trình nhà văn hóa thôn Xuân Hải, xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) quy mô 300m2, ở thời điểm giá thép ở mức 18,8 triệu đồng/tấn, Công ty TNHH Xây dựng Tấn Minh đã phải đội vốn khoảng 200 triệu đồng khi giá các loại vật liệu xây dựng liên tục tăng cao.

Anh Nguyễn Ngọc Tân - Đại diện Công ty TNHH Xây dựng Tấn Minh cho biết: Vật liệu xây dựng tăng, đã ảnh hưởng đến công trình, so với hợp đồng ban đầu đã ký, công trình này sẽ đội vốn khoảng hơn 200 triệu. Thế nhưng, chúng tôi vẫn đảm bảo công trình đạt chất lượng và đạt được tiến độ chủ đầu tư yêu cầu. Chúng tôi mong muốn, sắp tới đây giá vật liệu xây dựng sẽ giảm xuống, để việc thi công dễ dàng hơn.

Tương tự, Công ty TNHH An Tài đang nhận thi công điểm trường Mầm non 2 tầng với 12 phòng học ở thị trấn Hoàn Lão. Theo tính toán, doanh nghiệp này sẽ phải chịu thiệt hại vì đội giá khoảng trên 300 triệu đồng, do chi phí xây dựng và đơn giá nhân công có sự điều chỉnh. Không chỉ tác động đến các đơn vị xây dựng, nhiều người dân đang thi công công trình nhà ở, kho xưởng cũng phải chật vật vì chi phí xây dựng bị đẩy lên cao so với dự toán ban đầu.

Anh Nguyễn Văn Quang, xã Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy) cho biết: Công trình xây dựng của gia đình được thực hiện từ tháng 8/2021, tuy nhiên cho đến nay giá tất cả các loại vật liệu xây dựng được điều chỉnh theo hướng tăng lên nhiều lần, ảnh hưởng rất nhiều đến sự tính toán của gia đình. Kéo theo việc gia chủ phải cân nhắc trong quá trình xây dựng, như là kéo dài thời gian thi công để có nguồn vốn hỗ trợ, hoặc cắt bớt một số hạng mục chưa cần thiết để sớm hoàn thành công trình.

Trước diễn biến giá vật liệu xây dựng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, các doanh nghiệp và người dân bày tỏ sự lo lắng khi điều này sẽ gây thêm áp lực, tạo khó khăn và gây ảnh hưởng tiêu cực cho việc phục hồi sản xuất kinh doanh, Sở Xây dựng Quảng Bình nhìn nhận: Việc giá một số loại vật liệu xây dựng tăng không theo quy luật, tác động tiêu cực đến đầu tư xây dựng, trực tiếp là các công trình, gói thầu đang thi công, nhất là các gói thầu theo hợp đồng trọn gói, đơn giá cố định.

Tác giả: Nhất Linh

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP