Tin địa phương

Quảng Bình: Chủ tàu cá điêu đứng vì công ty bảo việt từ chối bồi thường thiệt hại

Tàu cá QB 93192 TS có mua bảo hiểm, nhưng 8 tháng qua, kể từ khi bị đâm chìm, Công ty Bảo Việt Quảng Bình vẫn từ chối thực hiện nghĩa vụ bồi thường. Vì sao vậy?

Theo trình bày của ông Phạm Ngọc Cường, tàu cá QB 93192 TS trước đó do ông Phạm Ngọc Hoàng làm chủ tàu có ký hợp đồng bảo hiểm tàu cá số QBI.D.06.TC.17.HD. 199 E92 với Công ty Bảo Việt Quảng Bình. Hợp đồng này có giá trị thực tế và giá trị thân tàu tham gia Bảo Hiểm là 3 tỷ đồng, phí bảo hiểm thân tàu cá là 90 triệu đồng. Thời hạn hợp đồng bảo hiểm 1 năm, từ ngày 22/6/2017 đến 22/6/2018. Thời hạn thanh toán bảo hiểm được chia thành hai kỳ. Kỳ 1 thanh toán 50% phí bảo hiểm thân tàu với số tiền 45 triệu đồng, kỳ 2 thanh toán 50% phí bảo hiểm thân tàu còn lại sau 6 tháng (chậm nhất không quá 180 ngày) kể từ ngày có hiệu lực bảo hiểm với số tiền 45 triệu đồng.

Tàu cá mang số hiệu QB 93192 bị nạn trên biển của ông Phạm Ngọc Cường vào ngày 18/01/2018.

Ngày 5/9/2017, ông Phạm Ngọc Cường mua lại tàu cá QB 93192 TS của ông Phạm Ngọc Hoàng (có hợp đồng chuyển nhượng và được UBND xã Cảnh Dương xác nhận). Ngày 18/9/2017, Chi cục Thủy sản Quảng Bình đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá QB 93192 TS cho chủ tàu là ông Phạm Ngọc Cường.

Đến ngày 20/9/2017, Công ty Bảo Việt Quảng Bình đã cấp Giấy Chứng nhận bảo hiểm tàu cá số 363 cho tàu cá QB 93192 TS do ông Phạm Ngọc Cường làm chủ tàu với số tiền bảo hiểm là 3 tỷ đồng và phí bảo hiểm là 90 triệu đồng. Giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá này do ông Trần Nguyễn Trường Sơn - PGĐ Công ty Bảo Việt Quảng Bình ký.

Khoảng 9 giờ ngày 8/1/2018, tàu cá QB 93192 TS của ông Phạm Ngọc Cường đang đánh bắt trên vùng biển cách Cửa Gianh (Quảng Bình) khoảng 10 hải lý thì bất ngờ bị tàu hàng Hùng Khánh 86 ở Hải Phòng đâm chìm hoàn toàn. Sau khi xảy ra sự việc, ông Phạm Ngọc Cường đã báo cho hai cán bộ khai thác bảo hiểm là ông Hường và ông Hiệp thuộc Công ty Bảo Việt Quảng Bình.

Sau đó nhiều lần ông Cường đã đến gặp lãnh đạo Công ty Bảo Việt Quảng Bình để yêu cầu được hướng dẫn làm thủ tục bồi thường thiệt hại cho tàu cá QB 93192 TS của ông bị đâm chìm. Tuy nhiên, phía Công ty Bảo Việt Quảng Bình đã từ chối bồi thường tổn thất cho tàu cá trên.

Giấy Chứng nhận Bảo hiểm tàu cá của chiếc tàu QB 93192 TS được Công ty Bảo Việt Quảng Bình ký vào ngày 20/9/2017.

Lý do Công ty Bảo Việt Quảng Bình đưa ra để từ chối bồi thường thiệt hại cho tàu cá QB 93192 TS của ông Phạm Ngọc Cường là do phía ông Cường không thực hiện thanh toán phí bảo hiểm kỳ 2 của hợp đồng bảo hiểm đã ký nên hợp đồng đã chấm dứt hiệu lực từ ngày 22/12/2017.

Điều này khiến ông Cường vô cùng bức xúc khi trong thời gian trước khi tàu cá QB 93192 TS bị đâm chìm, ông không hề nhận được giấy thông báo nộp tiền bảo hiểm kỳ 2 cũng như thông báo chấm dứt hợp đồng bảo hiểm tàu cá của ông.

Về phía Công ty Bảo Việt Quảng Bình, tại Công văn số 6500 gửi Cục quản lý, giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính, phúc đáp việc khiếu nại của ông Phạm Ngọc Cường không nhận được thông báo đóng phí lần 2 và thông báo chấm dứt hiệu lực hợp đồng bảo hiểm. Công ty Bảo Việt Quảng Bình đã gửi bưu kiện gồm thông báo nộp tiền bảo hiểm kỳ 2 cũng như thông báo chấm dứt hợp đồng bảo hiểm vào ngày 12/12/2017 cho ông Phạm Ngọc Hoàng – chủ tàu QB 93192 TS – Hội Ngư dân xã Cảnh Dương, tuy nhiên do nhầm lẫn của bưu tá nên bưu kiện trên đã phát nhầm đến một chủ tàu khác cũng tên Hoàng ở xã Cảnh Dương.

Như vậy lỗi này hoàn toàn thuộc về phía Công ty Bảo Việt Quảng Bình khiến chủ tàu QB 93192 TS không hề nhận được thông báo đóng phí bảo hiểm kỳ 2 theo định kỳ.

Một điều khiến ông Phạm Ngọc Cường hết sức bức xúc nữa là, mặc dù ông đã mua lại và thuộc chủ sở hữu của tàu cá QB 93192 TS, ngày 20/9/2017, Công ty Bảo Việt Quảng Bình đã cấp Giấy Chứng nhận bảo hiểm tàu cá số 363 cho tàu cá QB 93192 TS do ông làm chủ tàu, nhưng Công ty Bảo Việt Quảng Bình lại không hề gửi giấy thông báo nộp tiền bảo hiểm kỳ 2 cũng như thông báo chấm dứt hợp đồng bảo hiểm tàu cá về cho ông.

Đã hơn 8 tháng trôi qua, từ khi tàu cá QB 93192 TS bị nạn, ông Phạm Ngọc Cường đã nhiều lần tìm đến Công ty Bảo Việt Quảng Bình để khiếu nại nhưng đã bị Công ty từ chối bồi thường, điều này khiến gia đình ông rơi vào cảnh khốn đốn.

Trước hoàn cảnh khó khăn của người dân làm nghề cá và “vấn đề lỗi” dẫn đến hợp đồng bảo hiểm bị mất hiệu lực như nêu trên có liên quan đến trách nhiệm của phía cung cấp dịch vụ bảo hiểm, đề nghị lãnh đạo Công ty Bảo Việt Quảng Bình và Tổng Công ty Bảo Việt Nam xem xét, giải quyết quyền lợi chính đáng cho chủ tàu Phạm Ngọc Cường, tránh ảnh hưởng lòng tin của người dân và doanh nghiệp vào hệ thống Bảo Việt Việt Nam.

Tác giả: Tuấn Tài

Nguồn tin: baonhandao.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP