Tin địa phương

Quảng Bình: Nhiều hồ đập hư hỏng, chưa đảm bảo an toàn mùa mưa bão 2022

Hiện tại các hồ, đập chứa nước do địa phương quản lý không đáp ứng được quy định gây nguy cơ mất an toàn cao trước mùa mưa bão 2022.

Nhiều hồ, đập chưa đủ tiêu chuẩn an toàn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Quảng Bình, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 153 hồ chứa, 193 đập dâng thủy lợi và 32 đập dâng

UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh nhằm đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, đồng thời phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi trước mùa mưa bão năm 2022 trên địa bàn tỉnh.

Hồ chứa nước thuỷ lợi Rào Nan trong quá trình xây dựng sửa chữa (ảnh: Bùi Thành)

Qua kiểm tra 153 hồ chứa, đập trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 49 hồ chứa không tích nước do bị hư hỏng và có nguy cơ sự cố mất an toàn cao và hồ chứa hư hỏng phải tích nước hạn chế trong đó có hồ Dạ Lam (xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy).

Đồng thời, các hạng mục công trình bị hư hỏng: đối với đập có 30 cái bị thấm nước, 26 cái bị biến dạng mái đập, 03 cái bị nứt thân đập; đối với tràn xả lũ có 21 cái nứt và hư hỏng, trong đó hư hỏng nặng 6 cái hư hỏng nặng. Số lượng tràn được đánh giá thiếu khả năng xả lũ là 5 cái; đối với hạng mục cống lấy nước, hư hỏng thân cóng là 26 cái, hư hỏng cửa van là 9 cái.

Theo đánh giá, hiện tại các hồ chứa được Dự án WB8 đầu tư sửa chữa, nâng cấp và công trình Đập dâng Rào Nan do Trung ương hỗ trợ đã được Ban quản lý Dự án ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Bình triển khai đầu tư xây dựng; một số đập, hồ chứa được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn khác đang thực hiện đảm bảo yêu cầu, tiến độ vượt lũ, không có nguy cơ mất an toàn hồ chứa trong mùa mưa lũ năm 2022.

Ông Trần Hồng Quảng -Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Quảng Bình cho hay, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (Công ty) quản lý 32 hồ chứa vừa và lớn, 04 đập dâng. Thời gian qua, Công ty đã thực hiện công tác quản lý an toàn đập các hồ chứa do đơn vị quản lý như: tổ chức lập quy trình vận hành hồ chứa, phương án bảo vệ đập, phương án ứng phó thiên tai, ứng phó với tình huống khẩn cấp, xây dựng bản đồ ngập lụt, đăng ký an toàn đập, báo cáo hiện trạng an toàn đập và kiểm định an toàn đập.

Còn nhiều bất cập trong quản lý hồ đập

Theo đại diện Sở NN và PTNT tỉnh Quảng Bình, hiện tại, UBND cấp huyện giao cho UBND cấp xã và các Tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý khai thác 121 hồ chứa và 189 đập dâng. Các hồ, đập do địa phương quản lý chưa được các cấp chính quyền bàn giao cho các tổ chức quản lý đích thực, các hồ đập không có hồ sơ lưu trữ, thiếu các thông số về hồ chứa, hơn nữa cán bộ quản lý hồ không có trình độ chuyên môn nên những nội dung quy định của Nghị định 114/2018/NĐ-CP thực hiện không đầy đủ.

Đồng thời, tình hình thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập đến hiện tại chỉ có Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi quản lý thực hiện cơ bản đầy đủ theo quy định (32/32 hồ chứa). Do điều kiện nguồn vốn khó khăn, các chủ đập chủ yếu tập trung lập quy trình vận hành cho các hồ chứa lớn có tràn xả sâu. Toàn tỉnh có 07 hồ có cửa van, trong đó 06/07 hồ đã có quy trình vận hành được UBND tỉnh phê duyệt.

Quy trình vận cửa van của 05/07 hồ chứa có cửa van được lồng ghép vào Quy trình vận hành hồ chứa mà không xây dựng Quy trình riêng. Các công trình do địa phương quản lý chưa được thực hiện theo quy định. Hiện nay mới có 31/153 hồ chứa có hồ sơ lưu trữ. Đối với công tác kiểm định an toàn đập mới có 12/153 hồ chứa thực hiện, còn lại chưa thực hiện kiểm định an toàn đập.

Công trình thủy lợi Vực Tròn huyện Quảng Trạch (Quảng Bình)

Theo ông Trần Hoài Nam- Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Quảng Bình, hiện nay cơ sở vật chất, trang thiết bị quản lý, quan trắc, thông tin liên lạc, vật tư, vật liệu tại chỗ chuẩn bị cho việc ứng cứu công trình của các hồ chứa địa phương quản lý không có, hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu về công tác quản lý, vận hành.

"Ngoài ra, một số địa phương, đơn vị, tổ chức lập các dự án đầu tư xây dựng hoặc sửa chữa nâng cấp các công trình hồ, đập nhỏ thường do các phòng, ban hoặc UBND xã làm chủ đầu tư là những đơn vị không đủ năng lực chuyên ngành trong quản lý đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; các tổ chức tư vấn lập dự án, thiết kế bản vẽ thi công do các chủ đầu tư thuê không đáp ứng về chất lượng dẫn đến các công trình được đầu tư xây dựng chưa đảm bảo kỹ thuật, chất lượng cũng như hiệu quả đầu tư chưa cao"- ông Nam chia sẻ.

Cũng theo ông Nam, có những công trình không cần tập trung vốn quá lớn để nâng cấp cùng lúc nhiều hạng mục một công trình trong đó bao gồm cả những hạng mục vẫn đang đảm bảo ổn định, chưa cấp thiết.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác là kinh phí bố trí cho bảo trì, duy tu sửa chữa thường xuyên các công trình thủy lợi còn nhiều hạn chế đặc biệt các công trình do địa phương quản lý, nên công trình nhanh bị hư hỏng, xuống cấp; Công tác cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ hồ đập nói riêng, các công trình thủy lợi nói chung chưa được thực hiện nên việc vi phạm, lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình là khó tránh khỏi, nhất là các hồ, đập.

Hiện nay, phần lớn số lượng hồ đập trên địa bàn tỉnh là có quy mô nhỏ và rất nhỏ, do các xã, hợp tác xã quản lý. Nguồn thu thủy lợi phí từ các công trình này không đáng kể trong khi theo quy định tất cả các hồ đều phải thực hiện quản lý an toàn đập gồm những công tác đòi hỏi chi phí lớn như kiểm định, cắm mốc chỉ giới bảo vệ đập, lập quy trình vận hành, vì vậy gây nhiều khó khăn cho các chủ đập và cơ quan quản lý.

Sở NN và PTNT cũng đã có kiến nghị, đề nghị các địa phương chỉ đạo thành lập, củng cố, kiện toàn, sắp xếp và đổi mới quy mô hoạt động của các tổ chức thủy lợi cơ sở, liên hiệp tổ chức thủy lợi cơ sở trên địa bàn đảm bảo đủ điều kiện, năng lực quản lý, khai thác công trình thủy lợi theo Luật Thủy lợi và các quy định pháp luật khác có liên quan. Yêu cầu, các địa phương thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình, xử lý kịp thời các hư hỏng phát sinh; bố trí các điều kiện cần thiết để thực hiện các phương án ứng phó thiên tai (nhân lực, vật tư, phương tiện,..) sẵn sàng ứng phó kịp thời với các tình huống mưa, lũ bất thường (trong cả mùa lũ và mùa kiệt) bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du.

Sở NN và PTNT tỉnh Quảng Bình cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình bố trí kinh phí sửa chữa khẩn cấp các công trình hư hỏng, xuống cấp theo thứ tự ưu tiên. Chỉ đạo các đơn vị liên quan khi thực hiện đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa công trình hồ chứa, đập dâng...thực hiện theo thứ tự ưu tiên, mức độ cấp bách như kiến nghị, đánh giá của Hội đồng.

Tác giả: Thành Long

Nguồn tin: Báo Công thương

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP