Tin địa phương

Quảng Bình: Hàng loạt công trình hồ, đập thủy lợi hư hỏng, xuống cấp

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình vừa tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng an toàn các công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ năm 2022 trên địa bàn huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa. Đồng thời, yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc Nghị định số 114/2018/NĐ-CP.

Hội đồng Tư vấn kiểm tra thực tế hiện trạng các hồ đập trên địa bàn huyện Minh Hóa và Tuyên Hóa.

Qua kiểm tra của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tại các công trình hồ, đập trên địa bàn huyện Tuyên Hóa (có 10 hồ chứa và 86 đập dâng) và huyện Minh Hóa (có 8 hồ chứa và 24 đập dâng) cho thấy, do được xây dựng từ khá lâu, tài liệu, hồ sơ liên quan đến công trình bị mất mát, thất lạc. Các xã, thị trấn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm để báo cáo nên độ chính xác về số liệu của một số công trình không cao.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị quản lý, quan trắc, thông tin liên lạc, vật tư, vật liệu tại chỗ chuẩn bị cho việc ứng cứu công trình của các hồ chứa địa phương quản lý không có, không đáp ứng được yêu cầu về công tác quản lý, vận hành.

Ngoài ra, do đầu tư xây dựng đã lâu nên một số hồ, đập trên địa bàn đã xuống cấp, cần đầu tư sửa chữa để bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão và đáp ứng yêu cầu sản xuất, đời sống của người dân.

Tại huyện Tuyên Hóa có 18 đập bị thấm, 6 đập bị nứt thân, 2 tràn xả lũ chưa được gia cố, 2 tràn bị nứt, 1 tràn bị xói lở, 4 cống hư hỏng thân cống, 5 cống hư hỏng dàn van. Tương tự, tại huyện Minh Hóa số lượng hồ chứa, đập dâng bị thấm, nứt cũng ở mức cao.

Sau khi kiểm tra tình hình thực tế, ông Trần Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc công tác quản lý nhà nước về an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi được quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP, như:

Lập quy trình vận hành hồ chứa, giải pháp bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi; lập danh mục các công trình hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn; bố trí kinh phí khắc phục, sửa chữa các đập, hồ chứa nước xung yếu, tránh xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du. Bên cạnh đó, chủ động rà soát, xây dựng phương án ứng phó thiên tai và các tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du.

Số liệu thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho thấy, đến cuối năm 2020, tỉnh này có hơn 100 hồ chứa, đập tràn bị thấm, nứt, sạt lở nặng, cần được đầu tư sửa chữa, khắc phục hư hỏng. Hết năm 2021, Quảng Bình có 7 hồ chứa được nâng cấp, cải tạo hoàn thành đưa vào sử dụng, vừa kịp thời phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa góp phần tiết giảm lũ bảo đảm an toàn cho vùng hạ du.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình, hiện đơn vị tập trung thực hiện hoàn thành 3 công trình và bổ sung 2 hồ chứa nước sử dụng nguồn vốn dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) do Ngân hàng Thế giới tài trợ, để giúp các địa phương gia cố các công trình hồ chứa.

Để đẩy nhanh tiến độ thi công theo yêu cầu của Ngân hàng Thế giới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm đã trực tiếp yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành Nông nghiệp chỉ đạo các nhà thầu thi công huy động tối đa nguồn lực phương tiện máy móc, thiết bị, nhân công để tăng ca, kíp và khắc phục khó khăn nhằm đảm bảo tiến độ cam kết với nhà tài trợ.

Sửa chữa, nâng cấp cứng hóa thân đập hồ Thanh Sơn, huyện Lệ Thủy.

Liên quan đến nội dung này, ông Lê Anh Đức - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình cho biết: Cùng với việc nâng cấp, sửa chữa hư hỏng tại các công trình thủy lợi đã và đang triển khai. Cần tập trung việc thực hiện kiểm định an toàn hồ, đập lần đầu, định kỳ, đập đột xuất theo quy định tại Điều 18, Nghị định số 114/2018/NĐ-CP, báo cáo kết quả gửi về các Sở chuyên ngành để quản lý và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh Quảng Bình, Bộ Công Thương theo quy định.

Tác giả: Nhất Linh

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP