Tin địa phương

Quảng Bình: Nhiều chợ truyền thống ô nhiễm nặng

Nhưng năm qua, hoạt động mua bán ở các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh Quảng Bình luôn nhộn nhịp, sầm uất. Song, việc thu gom, xử lý rác thải ở nhiều chợ vẫn chưa triệt để, nguy cơ ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân.

Chợ lâu đời không có khu vệ sinh

Chợ Hoạ (phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn) nằm bên một nhánh sông Gianh, cách quốc lộ 1A khoảng chừng 200m. Tuy nhỏ, song chợ có vị trí, giao thông thuận lợi nên không chỉ là nơi trao đổi hàng hoá của người dân địa phương mà còn thu hút đông đảo bà con từ các vùng lân cận đến giao lưu, buôn bán.

Có mặt tại chợ vào lúc 7 giờ sáng, chúng tôi nhận thấy hoạt động giao thương buôn bán rất nhộn nhịp, sầm uất nhưng môi trường tại đây lại đang bị ô nhiễm nặng nề. Công tác xử lý, thu gom rác, nước thải, vệ sinh môi trường chưa được chính quyền địa phương quan tâm đúng mức.

Rác thải tập kết ngổn ngang tại chợ Hoạ, ngay sát bờ sông Gianh

Bà Lê Thị Toán (tiểu thương bán rau củ quả tại chợ Hoạ) cho biết, hằng ngày rác thải ở chợ được dồn vào điểm tập kết rác phía cuối chợ sát bờ sông, ngay bên cạnh là khu vực buôn bán thực phẩm tươi sống (cá, tôm, thịt,..). Chợ họp tất cả các ngày trong tuần nên lượng rác thải cũng vì thế mà tuồn ra môi trường ngày một nhiều thêm, thế nhưng phải một tuần mới có người đến thu gom, xử lý một lần dẫn đến tình trạng ứ đọng, bốc mùi hôi thối.

Chị Nguyễn Thuỳ (người đi chợ) bày tỏ, rác thải tuy được dồn vào khu tập kết của chợ nhưng điểm tập kết này lại ngay gần bờ sông khiến đoạn sông này trở nên ô nhiễm, bên cạnh là khu buôn bán thực phẩm tươi sống nên mùi rất khó chịu, ruồi nhặng rất mất vệ sinh. Ngoài ra, hoạt động giết mổ cá, vịt, gà tại chỗ và chỉ dội rửa sơ sài nên nền chợ luôn ẩm ướt, tanh nồng, nước thải chảy trực tiếp ra sông Gianh.

Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường còn trở nên đáng báo động hơn khi chợ đã tồn tại từ lâu đời nhưng không hề được đầu tư, xây dựng hệ thống nhà vệ sinh. Việc tiểu thương, người đi chợ vô tư “phóng uế” bừa bãi ra bờ sông Gianh gây phản cảm, ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của các hộ dân xung quanh chợ.

Anh Nguyễn H, người dân sống cạnh chợ Hoạ phản ánh, mỗi phiên chợ Hoạ thu hút cả trăm tiểu thương buôn bán, kinh doanh. Chợ nhộn nhịp, sầm uất là thế nhưng không có nổi cái nhà vệ sinh. Nhiều người dân, tiểu thương thường xuyên “phóng uế” bừa bãi ngay cạnh nhà rất ô nhiễm và phản cảm.

“Sống cạnh chợ, rác thải được tập kết lâu ngày bốc mùi hôi thối đã gây phiền toái đến gia đình lại còn thêm tình trạng trạng tiểu thương, người đi chợ “phóng uế” bừa bãi, rất khổ…” anh H. bức xúc nói.

Chủ tịch UBND phường Quảng Thuận Nguyễn Thành Công cho biết, việc thu gom, xử lý rác thải tại chợ Hoạ do địa phương hợp đồng với một đơn vị tư nhân. Hằng ngày sẽ có người quét dọn và 1 tuần sẽ tiến hành thu gom 1 lần. Với việc chợ phát sinh rác thải nhiều, ùn ứ, ô nhiễm, địa phương sẽ tiến hành kiểm tra và có phương án xử lý. Về việc chợ tồn tại lâu đời nhưng không có nhà vệ sinh, địa phương cũng đã nắm bắt, tuy nhiên việc xây dựng hệ thống nhà vệ sinh tại chợ Hoạ là vấn đề nan giải vì chợ này đang vướng trong vùng quy hoạch.

Rác thải chợ bủa vây bờ sông Loan

Chợ Cảnh Dương (xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch) nằm sát cửa sông Loan, cách quốc lộ 1A chừng 500m, sau lưng chợ là nơi neo đậu của các tàu đánh cá. Đây là nơi tập trung buôn bán của hàng trăm tiểu thương, với nhiều mặt hàng khác nhau và đặc biệt là các loại thuỷ hải sản tươi sống.

Theo ghi nhận của phóng viên, ở khu vực bán thuỷ sản luôn trong tình trạng ẩm ướt, mùi hôi, tanh nồng từ các quầy bán cá, tôm khiến không khí trở nên ngột ngạt. Nước thải từ hoạt động mua bán được tiểu thương xả trực tiếp xuống nền chợ và chảy thẳng ra bờ sông Loan.

Rác thải “bủa vây” bờ sông Loan

Ngay phía sau chợ, dọc bờ sông Loan ngập đầy rác thải, kéo dài cả hàng chục mét, chủ yếu là chai nhựa, túi nilon, bao tải, vỏ các loại hải sản, vỏ trái cây hay những giỏ nhựa, thùng xốp… ứ đọng lâu ngày chất thành từng đống lớn tạo nên sự nhếch nhác, dơ bẩn và ô nhiễm môi trường khá trầm trọng.

Theo tìm hiểu, mặc dù điểm tập kết rác trong chợ cách đó không xa, nhưng một vài tiểu thương thiếu ý thức, không thực hiện đổ rác đúng nơi quy định mà tuỳ tiện vứt rác thẳng ra bờ sông, khiến cho việc thu gom rác thải gặp nhiều khó khăn. Ở vị trí tập kết rác của chợ cũng chưa thực sự được quan tâm, lượng lớn rác được chất đống ngay cạnh nhà vệ sinh sau vài ngày mới được xử lý nên bốc mùi hôi thối, nước thải tanh nồng chảy ra ngoài khiến ruồi nhặng tập trung rất nhiều.

Người dân sống gần chợ Cảnh Dương cho biết, ngày nắng cũng như ngày mưa, rác thải bốc mùi hôi hối theo gió biển xộc thẳng vào khu chợ và nhà dân. Những hôm nước sông dâng cao, rác thải nổi lềnh bềnh trên mặt sông, vướng cả vào tàu thuyền neo đậu. Rác thải ứ đọng tại bờ sông gây ô nhiễm nặng nề cho nguồn nước, môi trường.

Điểm tập kết rác thải tại chợ Cảnh Dương ùn ứ, ô nhiễm

Được biết, đây không phải lần đầu xảy ra tình trạng ứ đọng rác thải dọc bờ sông Loan. Nhiều người dân sống quanh khu vực tỏ ra bức xúc vì nhiều năm nay họ phải sống chung với mùi hôi thối bốc ra từ rác thải, nước thải.

Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương Đồng Vinh Quang cho biết, sẽ tiến hành kiểm tra và có phương án để xử lý tình trạng rác thải “bủa vây” bờ sông Loan.

Đây chỉ là hai trong số hàng chục chợ dân sinh ở Quảng Bình đang phải đối mặt những bất cập trong thu gom, xử lý rác thải. Vẫn còn nhiều khu chợ trên địa bàn, việc thu gom xử lý rác, nước thải chưa triệt để, thùng đựng rác công cộng, biển báo tuyên truyền vệ sinh môi trường không được quan tâm đầu tư, hệ thống cống thoát nước thải hoạt động kém hiệu quả. Nhiều công trình hạ tầng ở các chợ đã xuống cấp.

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các chợ dân sinh, ngoài việc cải tạo, nâng cấp hạ tầng, tăng cường công tác xử lý, thu gom rác thải. Các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân, nhất là người trực tiếp buôn bán trong chợ nêu cao ý thức trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường.

Tác giả: Bùi Biền

Nguồn tin: kinhtedothi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP