Tuyến đường từ cầu Nhật Lệ II đến đường tránh TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, thuộc dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải-Tiểu dự án TP.Đồng Hới do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Ban Quản lý dự án Môi trường và Biến đổi khí hậu (QLDA MT-BĐKH) TP.Đồng Hới là đơn vị được UBND tỉnh giao thực hiện dự án.
Dự án bao gồm 2 Gói thầu: DH-2.1: Xây dựng tuyến đường nối cầu Nhật Lệ II đến cầu Lệ Kỳ; Xây dựng cầu Lệ kỳ và gói thầu DH-2.2: Xây dựng tuyến đường từ cầu Lệ Kỳ đến đường tránh thành phố Đồng Hới, xây dựng cầu Tây.
Tuyến đường theo thiết kế thuộc tuyến đường phố chính đô thị có bề rộng nền đường 36m và có chiều dài 1,438km; tổng mức đầu tư 165,202 tỷ đồng; thời gian hoàn thành ngày 30/6/2023.
Tuyến đường có tổng mức đầu tư 165,202 tỷ đồng. |
Mục tiêu của dự án là xây dựng tuyến đường chính tạo kết nối Đông – Tây TP.Đồng Hới, có vai trò quan trọng trong việc phát triển các ngành công nghiệp, thương mại – dịch vụ - du lịch của tỉnh Quảng Bình. Khi tuyên đường được hoàn thiện theo thiết kế sẽ tạo ra không gian phát triển mạnh mẽ hơn, cùng với quỹ đất hai bên đường tạo ra nguồn lực cho sự phát triển của thành phố, thúc đẩy sự phát triển cho khu vực phường Phú Hải, Bảo Ninh, Đức Ninh Đông, Đức Ninh và Nghĩa Ninh, tạo ra sự kết nối liên tục từ Đông sang Tây qua Cầu Nhật Lệ II là đường huyết mạch nối khu trung tâm thành phố với khu du lịch Bảo Ninh.
Ngoài ra khi tuyến đường được lưu thông sẽ giúp phòng chống lũ lụt và ứng phó với biến đổi khí hậu cho khu vực bán đảo Bảo Ninh và trung tâm thành phố Đồng Hới.
Theo kế hoạch, tuyến đường phải hoàn thành trước ngày 30/6/2023. Tuy nhiên, đến nay, tuyến đường này không thể hoàn thành vì chưa thi công hạng mục nút giao thông đấu nối vào Quốc lộ 1 tuyến tránh TP.Đồng Hới tại Km665+640 (T). Nguyên nhân khiến cho việc đấu nối chưa thể thực hiện là bởi chủ đầu tư dự án BOT tuyến tránh TP.Đồng Hới – Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh (Nhà đầu tư BOT Trường Thịnh) không chấp thuận việc này.
Vị trí đấu nối vào Quốc lộ 1 tuyến tránh TP.Đồng Hới tại Km665+640 (T) chưa thể thực hiện được vì Nhà đầu tư BOT Trường Thịnh không chấp thuận việc đấu nối. |
Được biết, trước đó, Ban QLDA đã có nhiều văn bản đề xuất và UBND tỉnh đã tổ chức nhiều buổi làm việc với Nhà đầu tư BOT Trường Thịnh nhưng vẫn chưa thể tháo gỡ được vướng mắc trên.
Cụ thể, từ năm 2019 đến nay, BQL Dự án đã nhiều lần đề xuất các thủ tục xin đấu nối vào đường tránh thành phố Đồng Hới tại Km665+640 (T), cũng như làm việc với Nhà đầu tư BOT Trường Thịnh để lấy ý kiến. Nhưng tại các buổi làm việc này, Nhà đầu tư BOT Trường Thịnh đều không chấp thuận việc đấu nối.
Theo nhà đầu tư BOT Trường Thịnh, vấn đề đấu nối các đường ngang vào các dự án BOT do Tập đoàn Trường Thịnh đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình từ khi đưa vào khai thác đến nay, tình trạng đấu nối trái phép, quy hoạch đấu nối nhiều so với hiện trạng ban đầu thực hiện đầu tư dự án, ngày càng diễn biến phức tạp gây nguy cơ mất kiểm soát.
Vị trí đấu nối vào QL1 tại Km665+640 sẽ được kết nối với tuyến đường ven biển Quảng Bình (về phía Đông) và đường Hồ Chí Minh (về phía Tây) do đó, khi hoàn thành tuyến đường, các phương tiện tham gia giao thông sẽ được lưu thông trên tuyến đường này để tránh qua trạm thu phí, làm giảm lưu lượng qua trạm thu phí Quán Hàu, giảm doanh thu thu phí hoàn vốn đầu tư.
Ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc BQL Dự án Môi trường và biến đổi khí hậu TP.Đồng Hới cho biết: "Để tránh phân lưu thất thoát qua trạm thu phí, Ban cũng đã đề xuất phương án bổ sung biển cấm rẽ trái theo chiều Bắc- Nam, tức là không cho phép phương tiện giao thông đi theo chiều từ hướng Bắc vào Nam rẽ xuống TP.Đồng Hới nhưng vẫn không được chấp thuận”.
Hiện trạng công trình tại điểm đấu nối. |
Ông Tịnh cũng cho biết thêm, trước tình hình "bế tắc" như hiện nay, BQL Dự án sẽ phải xin kết thúc gói thầu để hoàn thành dự án theo đúng hiện trạng như hiện nay. "Nếu sau này thỏa thuận được việc đấu nối, BQL Dự án sẽ đề xuất sử dụng một nguồn vốn khác để bổ sung hoàn thành tiếp dự án", ông Tịnh nói thêm.
Ông Phan Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, việc đấu nối Gói thầu DH2.2 nhằm hoàn thành tuyến đường theo đúng tiến độ cam kết với nhà tài trợ WB, tuy nhiên, vấn đề này giờ thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT và Nhà đầu tư BOT.
"Tỉnh cũng đã nhiều lần có ý kiến kiến nghị với Bộ GTVT về vấn đề này, nhưng cũng phải chờ đợi sự đồng thuận từ phía Nhà đầu tư. UBND tỉnh đã có thông báo kết luận về vấn đề này và sẽ nghiên cứu phương án như thế nào đó nhằm đảm bảo quyền lợi đối với Nhà đầu tư BOT", ông Hùng cho hay.
Tác giả: Ngô Thị Huyền
Nguồn tin: nguoiduatin.vn