Tin địa phương

Quảng Bình: Người dân "lách luật" vô tư xúc cả ngàn mét khối đất đá đem bán

Tại huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) việc các mỏ đất cải tạo được cấp phép tràn lan, khai thác không đúng quy trình đã gây ra nhiều hệ lụy xấu ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Đồi núi nham nhở vì bị đào xới.

Mỏ cải tạo đất được cấp phép tràn lan

Hiện nay, trên địa bàn huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình), tình trạng các điểm, mỏ cải tạo đất được cấp phép diễn ra tràn lan. Việc cơ quan quản lý dễ dàng trong việc cấp giấy phép đã nảy sinh ra nhiều người dân xin khai thác dưới danh nghĩa cải tạo vườn đồi để bán đất.

Các địa phương như thôn như Lệ Kỳ, thôn chợ Gộ thuộc xã Vĩnh Ninh; thôn Long Đại (xã Hiền Ninh), thôn Xuân Dục (xã Xuân Ninh)... ở huyện Quảng Ninh là những điểm có nhiều quả đồi bị băm nát do nạn khai thác đất, đá... Người dân địa phương nhẩm tính trong vòng 10 cây số, có hơn 12 điểm khai thác đất, đá.

Trên trục đường Hồ Chí Minh nhánh đông, đoạn đi qua địa bàn huyện Quảng Ninh, lưu lượng xe ben, xe tải chở đất cho các công trình chạy tấp nập.

Đặc biệt, ở Hồ vực Trởm là con đập quan trọng cung cấp nước tưới cho 30.000ha lúa đông xuân của xã Hiền Ninh, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Long Đại yêu cầu nạo vét, mở rộng lòng hồ, do đó đơn vị khai thác vô tư lợi dụng để xúc đất mang đi bán.

Anh Nguyễn Thành L. (một người dân trú ở xã Hiền Ninh) bức xúc vì việc đào đất lòng hồ vực Trởm diễn ra gần 2 năm qua khiến con đập bị đào xới tan hoang. Lưu lượng xe ra vào ngày đêm làm mất an toàn giao thông, cảnh núi đồi nham nhở, do không có ai quản lý nên việc khai thác đất đá bừa bãi.

Những ngọn đồi bị đào bới nham nhở, sau khi khai thác xong, các đơn vị lấy đất không trả lại mặt bằng sản xuất, không trồng cây xanh đúng như cam kết.

Ông Trần Văn H. (người dân thôn Xuân Dục, xã Xuân Ninh) cho biết: “Xe ra vào mỏ chở đất đi san lấp mặt bằng cho nhà dân, các công trình giao thông. Người ta khai thác không đúng quy trình để lại những hố sâu, tiềm ẩn nguy cơ cho người dân, trẻ nhỏ cũng như gia súc khi bị trượt ngã khi đi qua khu vực”.

Các đầu nậu mua đất thường xúi giục chủ hộ đi xin cấp phép cải tạo đất để mua giá rẻ.


“Đầu nậu” đất xúi giục người dân đi xin cấp phép

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, nhu cầu cần đất san lấp mặt bằng, phục vụ thi công công trình rất lớn. Biết được nhu cầu cần đất, các “đầu nậu” tìm đã đến các hộ dân có đất đồi, đất vườn...gần các công trình để tìm mua. Khi mua được đất vườn, các ‘đầu nậu” hướng dẫn các hộ dân xin cơ quan chức năng cấp giấy phép dưới danh nghĩa cải tạo, hạ độ cao đất sản xuất.

Người dân làm đơn và thủ tục xin giấy phép mỏ cải tạo đất được dễ dàng, số tiền nộp thuế cho Nhà nước cũng “rẻ bèo”. Khi các mỏ “cải tạo” đất được cấp phép, “đầu nậu” có thể vận chuyển đất “hợp pháp” đến mọi công trình trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Các dự án ở thành phố Đồng Hới, huyện Quảng Ninh như: khu đô thị Phú Hải, khu dân cư Đồng Phú, công trình nối dài cầu Nhật Lệ 2, dự án FLC Quảng Bình… mỗi ngày cần hàng ngàn khối đất đá phục vụ san lấp. Chủ thầu xây dựng thường chọn điểm khai thác đất, đá ở huyện Quảng Ninh, vì có quãng đường ngắn, giảm chi phí vận chuyển hơn so với các huyện khác.

Việc dễ dàng cấp phép điểm cải tạo đất, đơn vị khai thác vô tư xúc hàng ngàn khối đất đá mang đi bán.


Ông Nguyễn Viết Giai - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quảng Ninh cho biết, trên địa bàn huyện có quy hoạch nhưng chưa có mỏ đất nào được đấu giá đưa vào sử dụng, nhưng có hàng loạt điểm cải tạo, hạ độ cao đất đồi, đất vườn.

Gần đây, do “đầu nậu” đất xúi giục người dân xin cấp quá nhiều nên Huyện đội Quảng Ninh yêu cầu dừng cấp các khu vực đồi núi liên quan đến mục đích an ninh Quốc phòng, đặc biệt là các ngọn đồi làm nơi diễn tập bắn đạn thật.

“Nhu cầu về đất cho các công trình san lấp nhiều do đó làm phát sinh nhu cầu cải tạo mặt bằng. Các xã vùng gò đồi có nhu cầu cải tạo thì đều được cấp phép, theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Trường hợp nào người dân phát hiện sai phạm, không đúng thì sẽ có kiểm tra cụ thể”- ông Giai cho biết.

Các mỏ đất cải tạo được cấp phép dễ dãi, tràn lan đã làm cho những mỏ đất theo quy hoạch của tỉnh không đấu giá đưa vào khai thác được. Doanh nghiệp không mặn mà tham gia đấu giá các mỏ đất, bởi thủ tục phức tạp và thuế phí cao, đường sá vận chuyển xa,... không thể cạnh tranh được với mỏ đất cải tạo.

Tác giả: Thanh Hà

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP