Chăn nuôi giúp nhiều hộ thoát nghèo. |
Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Bình cho biết: Sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, các ngành, địa phương, đoàn thể và sự nỗ lực của người nghèo cùng với việc thực hiện tốt các chính sách, dự án giải quyết việc làm, hỗ trợ người nghèo đã giúp đời sống của người dân cũng như cơ sở hạ tầng vùng nông thôn trong tỉnh được cải thiện rõ rệt. Bộ mặt nông thôn, miền núi có nhiều khởi sắc.
Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm mạnh, giai đoạn 2016-2018 bình quân giảm 2,42%/năm. Đến hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 9,48%, hộ cận nghèo là 12,03%. Hàng năm, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 32.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề mỗi năm tăng từ 2,5-3%, xuất khẩu lao động đạt 2.500 người/năm; thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt gần 25 triệu đồng/người/năm. Nhiều công trình cơ sở hạ tầng được hỗ trợ đầu tư tại các xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang vùng biển, nhất là ở huyện nghèo Minh Hóa; hàng chục ngàn lượt hộ nghèo được vay vốn sản xuất, hỗ trợ xây dựng nhà ở…
Tuy nhiên, chương trình giảm nghèo và giải quyết việc làm ở Quảng Bình vẫn còn một số tồn tại như: Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, chiếm trên 74,9% tổng số hộ đồng bào dân tộc và trên 19,40% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội chiếm hơn 33,3% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo, tìm kiếm việc làm. Mặt khác, việc hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập chưa đầu tư đúng mức; chất lượng nguồn lao động còn hạn chế…
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, để tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững đi đôi với giải quyết việc làm trong thời gian tới, Quảng Bình tiếp tục triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách, dự án giảm nghèo, giải quyết việc làm, tăng cường các giải pháp thiết thực gắn việc thực hiện chương trình giảm nghèo – giải quyết việc làm với chương trình xây dựng nông thôn mới. Tỉnh thực hiện việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập nhằm nâng cao đời sống của người dân. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, các cấp, các ngành đẩy mạnh hướng dẫn người dân cách thức tổ chức sản xuất, định hướng trồng trọt, chăn nuôi một số cây trồng, vật nuôi phù hợp.
Đặc biệt, tỉnh có kế hoạch cụ thể về đào tạo nghề cho lao động nông thôn và chính sách đảm bảo việc làm cho nông dân, nhất là vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất và ảnh hưởng sự cố môi trường biển. Quảng Bình còn đẩy mạnh hoạt động đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; đồng thời vận động người dân vùng nông thôn, ưu tiên người nghèo, cận nghèo tham gia xuất khẩu lao động. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng để giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân
Tác giả: Võ Dung
Nguồn tin: daidoanket.vn