Mưa lớn trên diện rộng đã gây ngập lụt một số tuyến đường và chia cắt giao thông ở khu vực biên giới địa bàn hai huyện miền núi Minh Hóa và Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: TTXVN phát |
Để chủ động ứng phó mưa lớn kéo dài, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương và nhân dân trên địa bàn tập trung triển khai các biện pháp ứng phó với áp thấp và mưa lũ. Theo đó, các đơn vị, địa phương cần thực hiện nghiêm các công điện, công văn, chỉ đạo của Trung ương, địa phương về phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về vùng áp thấp, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Các địa phương kịp thời chỉ đạo, triển khai phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”; sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống có thể xảy ra, trong đó có tình huống huy động, hiệp đồng lực lượng để hỗ trợ địa phương, đơn vị khác.
Các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương thực hiện các biện pháp ứng phó với các tình huống thiên tai. Các địa phương, đơn vị chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu, thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; hỗ trợ công tác di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm. Các địa phương đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt, kịp thời khắc phục hậu quả, khôi phục giao thông trên các trục chính, nhất là tuyến quốc lộ, đường sắt Bắc Nam; chỉ đạo vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn vùng hạ du, triển khai các biện pháp gia cố đê điều, hồ đập.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai, thực hiện các phương án chủ động di dời, sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn, đặc biệt là tại các khu vực hai huyện miền núi Minh Hóa và Tuyên Hóa như: thôn 8 (thị trấn Quy Đạt), đồi Phòng Không (xã Đức Hóa), thôn 4 Bắc Sơn (xã Thanh Hóa), Bãi Dinh (xã Dân Hóa)...
Các địa phương chủ động đảm bảo dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, pin dự phòng, vật tư y tế... phòng bị chia cắt dài ngày, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc sinh sống. Đồng thời, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông ở các khu vực ngầm tràn, đò ngang, cương quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực nguy hiểm; không để người dân vớt củi, đánh bắt thủy sản… trên sông, suối khi có mưa lũ; kịp thời triển khai các phương án bảo vệ sản xuất nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do mưa, lũ gây ra.
Các đơn vị, địa phương liên quan đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, thông tin, dự báo, cảnh báo và đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, kịp thời thông tin diễn biến áp thấp, mưa lũ để người dân biết, chủ động phòng, tránh.
Tác giả: Võ Dung
Nguồn tin: Báo Tin tức