Tin địa phương

Quảng Bình: Chi trả 2,5 tỷ đồng cho bà con tham gia bảo vệ rừng

Bà con hai xã miền núi thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã được chi kinh phí hỗ trợ cho cộng đồng tham gia hoạt động quản lý, bảo vệ rừng 2,5 tỷ đồng.

Theo Ban quản lý (BQL) Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong (đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình), tính đến 6 tháng đầu năm, đơn vị đã chi trả được hơn 2,5 tỷ đồng về kinh phí hỗ trợ cho cộng đồng tham gia hoạt động quản lý, bảo vệ rừng.

BQL Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong đã chi trả được hơn 2,5 tỷ đồng về kinh phí hỗ trợ cho cộng đồng tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng.

Được biết, diện tích rừng tự nhiên được chi trả là 28.978,6 ha; trong đó, diện tích rừng tự nhiên được khoán bảo vệ cho cộng đồng theo thỏa thuận tham gia hoạt động quản lý rừng là 15.180,0 ha. Cụ thể, khoán bảo vệ rừng có các bản: An Bai, Hà Lẹc, Rum Ho, Mít Cát, Trung Đoàn và Bạch Đàn. Ngoài ra, số cộng đồng dân cư các bản ở 2 xã Kim Thủy và Lâm Thủy sau khi thỏa thuận tham gia hoạt động quản lý rừng được hỗ trợ 50 triệu đồng/năm.

Ông Bạch Thanh Hải- Giám đốc BQL Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong cho biết: " Đây là niềm vui, niềm hạnh phúc cho bà con nhân dân các xã miền núi tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình khi được nhận tiền hỗ trợ. Ban quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong đã thành lập các tổ gồm 12 người triển khai thực hiện Kế hoạch thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính. Hiện, Ban quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong đang phối hợp với các đơn vị tư vấn tiến hành điều tra, khảo sát đối tượng rừng để thiết kế kỹ thuật và lập dự toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đúng quy định".

Chi trả hơn 2,5 tỷ đồng cho bà con tham gia quản lý, bảo vệ rừng

"BQL Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương và các ban, ngành chức năng tổ chức thực hiện các nội dung đảm bảo đúng đối tượng. Phối hợp với các ban, ngành chức năng rà soát, xây dựng, bổ sung hoàn thiện các hướng dẫn cơ chế chính sách thực hiện theo quy định của pháp luật và thực hiện theo hướng dẫn Nghị định số 107”- ông Hải cho hay.

Theo đại diện BQL Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong, việc thực hiện chi trả nguồn thu từ thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ tại Quảng Bình là một nội dung mới và thực hiện lần đầu. Do đó, một số văn bản hướng dẫn việc chi trả còn chồng chéo nên việc triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, trình độ dân trí của các cộng đồng dân cư tham gia nhận khoán bảo vệ rừng còn thấp, phần nào ảnh hưởng đến quá trình tiếp thu các nội dung tuyên truyền về các văn bản pháp luật. Hạn mức khoán cho các cộng đồng dân cư còn thấp (không quá 30 ha/hộ dân) nên nguồn thu nhập nhận được chưa đảm bảo cuộc sống thiết yếu cho người dân trong các cộng đồng.

Bà con xã Kim Thủy và Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy nhận tiền chi trả

“Cần nâng hạn mức nhận khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân trong cộng đồng để tăng thêm nguồn thu nhập nhằm ổn định cuộc sống cho người dân, từ đó người dân chuyên tâm vào công tác bảo vệ rừng”- đại diện BQL Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong cho hay.

The chia sẻ của đại diện BQL Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong, ngoài diện tích rừng được chi trả kết quả GPT khí nhà kính là 28.978,60 ha, hiện BQL Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong được Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; bảo tồn đa dạng sinh học, lưu trữ và phát triển các nguồn gen động thực vật quý hiếm với tổng diện tích đất rừng 34.207,20 ha.

“Ngoài ra, đơn vị đã tham gia các hoạt động nâng cao năng lực, nhận thức trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy cho cán bộ chủ chốt ở cộng đồng thôn, xã; lực lượng an ninh, dân quân cơ động để họ trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy cũng như trong việc phối hợp tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho người dân có ý thức bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy. Nâng cao nhận thức, hiểu biết về công tác bảo tồn đa dạng sinh học cho người dân vùng đệm và thực hiện có hiệu quả công tác cứu hộ động vật hoang dã, không ngừng nâng cao các giá trị đa dạng sinh học trong Khu dự trữ thiên nhiên” – ông Hải cho biết.

Tác giả: Thành Long

Nguồn tin: congthuong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP