Tin địa phương

Quảng Bình: Bỏ trồng keo, tràm sang trồng sim cho thu nhập gần 200 một mùa

Được sự hỗ trợ từ Dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo (SRDP) tỉnh Quảng Bình, nhiều hộ dân thôn Chày Lập, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch đã liên kết lại thành Tổ hợp tác trồng sim Chày Lập và thật bất ngờ trong mùa vụ đầu tiên đã cho thu nhập gần 200 triệu đồng.

Dự án SRDP tỉnh Quảng Bình được triển khai thực hiện với mục đích cải thiện thu nhập bền vững và giảm tổn thương cho các hộ gia đình nghèo ở nông thôn tại các xã vùng Dự án. Mục tiêu của Dự án là đầu tư vào các mô hình phát triển nông thôn có khả năng sinh lợi, công bằng xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu, có tác dụng thúc đẩy các mối liên kết thị trường và chuỗi giá trị vì người nghèo và nâng cao khả năng cạnh tranh trong kinh doanh ở nông thôn.

Đồi trồng sim đang trong mùa thu hoạch của Tổ hợp tác Chày Lập

Năm 2017, Dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Quảng Bình được triển khai thực hiện hỗ trở người dân chuyển từ trồng keo, tràm sang trồng sim tại xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch. Mô hình trông sim được nhiều người dân tại thôn Chày lập tham gia, sau một năm triển khai bước đầu đã thu được hiệu quả.

Bà Trần Thị Mai - Tổ hợp tác trồng sim Chày Lập, xã Phúc Trạch, chia sẻ với chúng tôi: “Năm 2017 tôi được đi tập huấn về cây trồng, biết có dự án SRDP hỗ trợ vốn và thấy việc trồng sim mang lại hiệu quả cao nên tôi bàn bạc với chồng chặt hạ vườn keo để trồng cây sim. Nghĩ lại hồi đó mình cũng liều vì chưa biết kết quả sẽ ra sao. Nhưng sau một năm thấy sim phát triển tốt và nhiều quả nên cũng thấy vui”.

Được hỗ trợ của Dự án SRDP người dân đã chuyển từ trồng keo, tràm sang trồng sim

Tổ hợp tác trồng sim Chày lập được thành lập gồm 13 hộ gia đình, dự án SRDP hỗ trợ 145 triệu đồng cho 13 gia đình trong tổ này. Nguồn kinh phí này dự án hỗ trợ mỗi gia đình 50%, còn lại 50% kinh phí là các hộ dân tự bỏ ra để đầu tư.

Nhớ lại những ngày đầu khó khăn khi tham gia trông sim, bà Trần Thị Mai tâm sự: “Chỗ chúng tôi toàn vùng đất gò đồi, đất đai cằn cỗi chủ yếu trồng các cây lâu năm nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Nhiều người chuyển sang trồng sim và chúng tôi liên kết với nhau thành Tổ hợp tác trồng sim Chày Lập. Những ngày đầu trồng còn khó khăn, chúng tôi được hỗ trợ vốn từ dự án SRDP với 145 triệu đồng/13 người. Mọi người trong tổ hợp tác trồng sim thường xuyên đến nhà tôi họp vừa trao đổi kinh nghiệm trồng trọt vừa quan tâm giúp đỡ nhau trong cuộc sống hằng ngày”.

Mùa vụ đầu tiên người dân thu hoạch gần 200 triệu đồng

Hiện nay, Tổ hợp tác trồng sim Chày Lập của 13 hộ dân đã trồng được gần 10.000 cây sim với diện tích hơn 4ha, vườn sim đang bước vào thời kỳ thu hoạch quả, tổng sản lượng ước đạt hơn 6 tấn. Với giá bán trên thị trường từ 25 - 30 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí Tổ hợp tác trồng sim Chày Lập thu về gần 200 triệu đồng.

“Do cây sim mọc xen cây keo nên sau khi chặt cây keo kết hợp với việc bón phân cây sim phát triển rất nhanh. Mới được một năm chăm sóc mà các cây sim trong vườn tôi đã ra trĩu quả. Trồng cây sim tôi cũng đỡ lo, trước đây trồng keo đến mùa bão cữ lo ngay ngay sợ bị quật gãy nhưng nay cây sim thấp nên sẽ không hề hấn gì. Thời gian tới tôi sẽ mở rộng diện tích trồng sim của mình để cho thu nhập cao hơn”, anh Nguyễn Văn Dũng phấn khởi.

Sắp tới mô hình trồng sim sẽ được mở rộng nhằm giúp người dân phát triển kinh tế hơn

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quang Tiến- Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch, cho biết: “Đây là Dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Quảng Bình. Dự án hỗ trợ kinh phí cho người dân 50% và người dân bỏ ra 50 % kinh phí nữa để trồng cây. Hiện tại Tổ hợp Chày Lập đã trồng được hơn 4h, tại vùng đất này rất thích hợp để trồng sim. Vốn cây sim đã mọc lên tự nhiên từ trước rồi, nay người dân không trồng tràm mà chuyển sang trồng sim, khoanh vùng chăm sóc. Việc trồng sim cho thu nhập cao hơn rất nhiều so với trồng keo, nếu trồng keo tràm đất mà tốt thì cũng phải 4-5 năm còn đất không tốt thì phải 6-7 năm mới thu hoạch được, đó là chưa kể đến mưa bão, có bão lớn thì keo tràm rất dễ bị đổ hết. Trong khi đó, sim là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, dễ thu hoạch và rất phù hợp với đất đồi”.

Ông Tiến cũng cho biết thêm, ngoài thôn Chày Lập, sắp tới địa phương này sẽ xem phương án, khảo sát triển khai tại thôn 2 Phúc Đồng, vì khu vực này đất phù hợp với trồng sim. Đồng thời, chủ trương tìm nguồn vốn từ 135 với hỗ trợ sản xuất, hỗ trở một phần kinh phí, khuyến khích người dân làm, nhân rộng mô hình.

Tác giả: Hồng Thiệu

Nguồn tin: Báo Tài Nguyên & Môi Trường

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP