Giáo dục

Quá tải trường lớp và sức ép từ “quả bom” dân số

Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, sĩ số chuẩn của bậc tiểu học là 35-40 học sinh/lớp. Tuy nhiên, thực tế những năm gần đây cho thấy, rất ít các trường ở Hà Nội thực hiện được quy định này. Ở các quận nội thành, nhất là các khu vực có tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, có những lớp học phải “gánh” tới 67 học sinh.

Thậm chí, tại một số khu vực, học sinh còn phải nghỉ học luân phiên do nhà trường không có đủ phòng để học. Điều này cho thấy, “quả bom” dân số đang gây áp lực lớn đến mạng lưới trường, lớp của Thủ đô và ngành Giáo dục chính là một trong những “nạn nhân” của tình trạng di dân cơ học tăng đột biến.

Bài 1: Khu đô thị hơn 60.000 dân chỉ có một trường tiểu học

Tốc độ đô thị hóa, dân số cơ học tăng nhanh, trong khi số trường học gần như không đổi đã “đẩy” việc học của con em tại một số khu đô thị (KĐT) trên địa bàn thành phố Hà Nội rơi vào tình trạng hết sức khó khăn. Tại KĐT Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội), Trường Tiểu học Hoàng Liệt phải “gánh” tới 60.000 dân của 65 tòa nhà chung cư.

e102ba9c bb1e 4788 8e02 9d6ad1599cc3
Quá tải dân cư tại các khu đô thị gây áp lực với các trường học. (Ảnh mang tính minh họa: CTV).

Việc quá tải trường lớp đã khiến nhà trường phải cho học sinh nghỉ học luân phiên vào các ngày trong tuần và học bù vào thứ 7, chủ nhật. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng học tập của học sinh mà còn khiến cho cuộc sống của hàng trăm gia đình bị đảo lộn.

“Méo mặt” vì con phải nghỉ học luân phiên

Từng được biết đến là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên ở Hà Nội, nhưng hiện nay, KĐT Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai đã và đang trở thành một trong những địa bàn có mật độ dân số đông nhất Thủ đô.

Sau khi một số tòa chung cư mới trong khu vực hoàn thiện và bàn giao cho người dân đến ở, dân số của KĐT Linh Đàm tính đến cuối năm 2016 đã lên tới hơn 60.000 người. Mặc dù số lượng dân số cơ học tăng lên nhanh như vậy nhưng đến nay, trên địa bàn phường Hoàng Liệt mới chỉ có duy nhất 1 trường tiểu học công lập ở KĐT Tây Nam thuộc bán đảo Linh Đàm với 30 phòng học.



Chị Nguyễn Lê Phương, cư dân hiện đang sinh sống tại Tòa nhà HH2B Linh Đàm cho biết: Năm 2016, con trai chị đã đến tuổi đi học lớp 1 nhưng không thể xin vào trường Tiểu học Hoàng Liệt vì nhà trường đã quá tải học sinh. Với thu nhập khiêm tốn của hai vợ chồng, kèm thêm khoản nợ ngân hàng vay để mua nhà phải trả từ tiền lương hàng tháng, không thể cho con vào học các trường tư thục, vợ chồng chị Phương đã phải chọn giải pháp tình thế là gửi con về tận Nghệ An ở với ông bà ngoại để cháu học lớp 1 ở trường làng.

Không thể kiếm cho con một suất vào trường công trên địa bàn như gia đình chị Phương khổ đã đành, một số gia đình may mắn kiếm xin được chỗ học cho con ở trường Tiểu học Hoàng Liệt cũng chẳng mấy sung sướng khi con của họ phải nghỉ học luân phiên vì trường không có đủ phòng để học.

c38eedd1 87a7 44fc a30d 6bb5b83913f6
Trường Tiểu học Hoàng Liệt, ngôi trường công lập duy nhất tại KĐT Linh Đàm với hơn 60.000 dân.

Đại diện trường Tiểu học Hoàng Liệt cho biết: Nhà trường có tất cả 30 phòng học nhưng do số lượng trẻ đến độ tuổi đi học trên địa bàn rất lớn nên trường đã phải báo cáo với các cấp lãnh đạo cấp trên cho phép sử dụng 10 phòng chức năng thành phòng học, nâng tổng số phòng học lên con số 40. Tuy nhiên, năm học 2016-2017, trường tiểu học Hoàng Liệt có 2.238 học sinh chia làm 48 lớp học nhưng trường chỉ có 40 phòng nên để đảm bảo chỗ học cho tất cả học sinh, nhà trường phải bố trí 8 lớp học tập, nghỉ học luân phiên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, hàng trăm học sinh của 8 lớp học này phải rơi vào tình cảnh ngày nghỉ thì đi học, ngày thường thì phải nghỉ ở nhà khiến sinh hoạt của các em và cả gia đình đều bị đảo lộn.

Anh Đinh Văn Hải, sống ở Tòa nhà HH1A Linh Đàm cho biết: “Những ngày cuối tuần, cả gia đình muốn đi chơi đâu đó cũng khó vì con gái phải đi học. Trong khi đó, những ngày trong tuần, bố mẹ đi làm, con lại nghỉ học ở nhà. Không có ông bà ở cùng nên bố mẹ lại phải luân phiên nghỉ ở nhà trông con hoặc cho con đi làm cùng. Mọi sinh hoạt đảo lộn hết, vất vả, khổ sở vô cùng”.

Chị Thùy Liên, ở chung cư VP6 Linh Đàm cũng cho biết: Mỗi tuần có 7 ngày thì chỉ trừ ngày thứ 4 và thứ 7 là con được nghỉ, còn tất cả các ngày cháu đều phải học ở các lớp khác nhau. Điều này khiến cháu cảm thấy rất mệt mỏi và không ổn định tinh thần.

Thừa nhận việc học luân phiên đang gây ra những khó khăn nhất định cho cả học sinh và phụ huynh, cô T, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A cho biết: “Thời gian đầu, khi nhà trường thông báo sẽ phải học luân phiên cho các em, nhiều phụ huynh đã tỏ ý lo ngại và muốn chuyển lớp cho các con vì không phải ai cũng có thời gian ở nhà để trông các cháu. Nhà trường đã kiên trì làm công tác tư tưởng rất nhiều mới thuyết phục được phụ huynh”...

Phải nhanh chóng tìm quỹ đất để xây thêm trường

Trước những bất tiện, vất vả của nhà trường, phụ huynh và học sinh Trường Tiểu học Hoàng Liệt khi phải nghỉ học luân phiên, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với Phòng Giáo dục quận Hoàng Mai cũng như cá nhân bà Hoàng Thị Thanh, Trưởng phòng giáo dục nhưng không hiểu vì lý do gì mà đơn vị này vẫn không thể bố trí được lịch hẹn.

Ông Tạ Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: Tính đến cuối tháng 12-2016, trên địa bàn phường Hoàng Liệt có 65 chung cư. Trong đó, hơn một nửa số chung cư này có độ cao trên 20 tầng và có tòa nhà với gần 1.000 hộ dân sinh sống. Sắp tới có thêm một số chung cư nữa hoàn thành thì dân số và số lượng trẻ đến tuổi đi học tại địa bàn sẽ lại tăng thêm. Dân số tăng nhanh chóng mặt, tương đương bằng một quận nhưng hiện phường Hoàng Liệt chỉ có 1 trường tiểu học. Bất cập này là từ khi xây dựng các khu đô thị, tòa nhà chung cư, các chủ đầu tư không chú trọng đến việc xây dựng thêm trường học.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Do nhu cầu của cha mẹ học sinh muốn gửi con học cả ngày, cùng với đó là tình trạng di dân cơ học diễn ra quá nhanh, quá mạnh nên dù các trường đã nỗ lực tăng cường cơ sở vật chất vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Sỹ số lớp học tăng, số phòng học không đủ một lớp có một phòng nên một số trường đã phải thỏa thuận với cha mẹ học sinh phải cho con nghỉ học một vài ngày trong tuần và học bù vào thứ 7, chủ nhật.

Để khắc phục tình trạng này, trước mắt Sở GD&ĐT đã yêu cầu phòng GD&ĐT các quận - huyện và nhà trường bố trí việc giảng dạy, học tập luân phiên một cách khoa học, hợp lý giữa các khối lớp, bảo đảm chất lượng giảng dạy và an toàn cho học sinh.

Về lâu dài, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục tham mưu với các cấp lãnh đạo thành phố, các quận, huyện tăng cường thêm cơ sở vật chất, đảm bảo lộ trình đến năm 2020, tầm nhìn 2030, mỗi lớp sẽ có một phòng học.

Đối với các khu chung cư, KĐT, Sở GD&ĐT cũng đang và sẽ tiếp tục tham mưu với UBND thành phố, các quận, huyện chú trọng chỉ đạo khi xây dựng các khu chung cư thì phải tạo điều kiện tốt nhất cho việc xây dựng các trường tiểu học công lập để đáp ứng nhu cầu của các hộ dân sinh sống trên địa bàn.

“Riêng đối với các trường đang phải học luân phiên, cần phải tiến hành quy hoạch lại, còn đất thì bổ sung xây thêm phòng học... ví dụ khu Hoàng Liệt, phải nhanh chóng tìm quỹ đất để xây thêm một trường tiểu học nữa”-ông Tiến cho hay.

Tác giả bài viết: Huyền Thanh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP