Trần Văn Đạt, lớp 12, Trường THPT Cao Bá Quát, huyện Quốc Oai, Hà Nội chia sẻ sự băn khoăn, lo lắng khi mới chỉ đọc báo hay tin, kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ khác năm trước rất nhiều. Đạt nói: “Nếu chỉ thay đổi về cách thi còn được chứ thay đổi cả kiểu ra đề sẽ rất khó cho học sinh.
Hiện nay trường đã bước vào năm học mới rồi, nếu thi theo phương thức tích hợp kiến thức khoa học tự nhiên, khoa học xã hội thí sinh sẽ không kịp trở tay”, Đạt nói. Đạt cũng chia sẻ thêm, với học sinh ở vùng nông thôn, lâu nay ít bạn có điều kiện đi học thêm, luyện thi nên đa số chỉ tập trung học trong sách giáo khoa. Như Đạt, ngay khi vào lớp 10 đã xác định tập trung học khối A để thi vào Trường ĐH Bách khoa. Vì thế, Đạt vô cùng lo lắng nếu kỳ thi năm nay bộ có thay đổi bất ngờ như thế.
Có con năm nay thi cuối cấp, chị Nguyễn Thị Hà Trang ở quận Thanh Xuân chia sẻ, kỳ thi 2016 tuy có chút rắc rối ở phần tuyển sinh nhưng cũng đã giảm tải cho phụ huynh, học sinh trong khâu thi cử. Chưa kể, qua hai năm theo hình thức thi chung, học sinh bắt đầu quen với cấu trúc đề, phương thức thi thì bộ lại thay đổi.
Theo chị Trang, nếu thay đổi, Bộ phải có kế hoạch từ khi học sinh vào lớp 10 để thầy cô thay đổi cả phương pháp dạy học. “Đến thời điểm này, thi theo hướng trắc nghiệm, mở rộng kiến thức làm sao các con kịp trở tay”, chị Trang lo lắng nói.
Thay đổi cần có lộ trình
Ông Nghiêm Quý Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Đông Anh (Hà Nội) cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia 2016 về cơ bản là đã ổn. Học sinh đã quen với cách thức ra đề, cách thức thi cử, xét tuyển. Vì thế, năm nay không nên thay đổi quá nhiều gây xáo trộn tâm lý học sinh, phụ huynh.
Lý do mà ông Bình cho rằng không nên có quá nhiều thay đổi khi kỳ thi đã cận kề là bởi đa số học sinh khi vào THPT đã lựa chọn học theo khối A,B,C,D. Từ đó, có sự chuẩn bị để ôn luyện. Ông Bình cho biết: “Theo dõi thấy bộ trưởng lo lắng về việc ra đề như hai năm qua sẽ xuất hiện việc học lệch, học tủ là không đúng. Bởi, dù cách ra đề tuy có nghiêng về tự luận nhưng học sinh không ai dại gì học lệch như thời trước”.
Một giáo viên Trường THPT chuyên Hà Tĩnh băn khoăn, nếu thay đổi cả đề thi, cách thức thi như vậy thì không chỉ học sinh mà giáo viên cũng cực kỳ bị động. Thời điểm này học sinh đã học trước chương trình lớp 12 gần cả tháng để đến khoảng giữa học kỳ II chỉ tập trung cho ôn tập kiến thức.
Nếu thi theo phương thức tích hợp kiến thức liên môn, ngay cả giáo viên cũng chưa dạy theo cách này ở các môn theo chiều sâu. “Việc thi là phản ánh kết quả của một quá trình học tập chứ không dễ như ra chợ mua mớ rau, con cá để có thể nghĩ thay đổi mua cái gì là mua được ngay”, giáo viên này nói.
Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Khang cho rằng, hai năm qua, năm nào bộ cũng có điều chỉnh trong kỳ thi THPT quốc gia. Nếu điều chỉnh để tốt hơn như năm 2016 so với 2015 thì giáo viên, học sinh hoan nghênh. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quát, nếu năm nào cũng có sự thay đổi sẽ ảnh hưởng đến tâm lý học sinh.
Tác giả bài viết: Nguyễn Hà