Tin địa phương

Phú Trạch, sau ba năm "đòi" lại đất

Hơn 15 năm về trước, có một doanh nghiệp đã xây dựng 99 hồ nuôi tôm hiện đại trên diện tích 120 ha của xã Phú Trạch, huyện Bố Trạch với ý tưởng biến nơi này thành một trung tâm nuôi tôm công nghiệp lớn nhất trong khu vực.

Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, “giấc mơ” đó đã không thành hiện thực, khu vực nuôi tôm thành hoang hóa. Sau nhiều năm “đòi đất”, năm 2014, hơn 120ha đất mà doanh nghiệp này thuê lại được “hoàn cố chủ”. Đã có ba vụ nuôi tôm trên vùng đất này, nhưng xem ra khó khăn đang chồng chất lên vai người dân nơi đây...

Chuyện cũ…

Trong công việc, tôi đã nhiều lần trở lại những nơi đã qua. Có khi nơi trở lại, cơ ngơi cũ không còn dấu tích, thay vào đó là cơ ngơi mới to lớn hơn, hoành tráng hơn. Nhưng cũng nhiều lúc phải bùi ngùi vì những gì “hoành tráng” trước đây đã biến mất. Với chuyến trở lại lần này trên đất Phú Trạch, trong tôi là tâm trạng thứ hai... Cơ sở nuôi tôm công nghiệp của Công ty Sông Gianh đã trở thành địa chỉ của “cuộc chiến” đòi lại đất ở xã Phú Trạch.

Nông dân Phú Trạch thả nuôi cá trắm.

Nhưng cũng phải nói rằng, cơ sở nuôi tôm công nghiệp đang hiện hữu ở đây là những năm tháng hào hùng của một doanh nghiệp lớn trong tỉnh. Và ý tưởng nuôi tôm trên vùng đất này là không tồi, thậm chí nó đã thể hiện tính tiên phong trong làm ăn lớn tại thời điểm đó. Nhưng chuyện làm ăn có lúc vì may, rủi mà kết quả có thể trái chiều nhau. Trong trường hợp của công ty này, nhiều người cho đó là chuyện rủi, nên kết cục đã ngoài tầm với của doanh nghiệp...

Sau một thời gian khá dài, cơ sở nuôi tôm này “đắp chăn”, trong khi người dân địa phương không có đất để sản xuất, lại là lúc phong trào nuôi tôm đang rộ lên. Trước tình cảnh ấy, “cuộc chiến” đòi lại đất được khởi động.

Anh Nguyễn Ngọc Phương, Chủ tịch UBND xã Phú Trạch nhớ lại, sau khi Báo Quảng Bình có bài viết “Bao giờ đất hết ngủ đông” phản ảnh thực trạng trớ trêu của vùng đất này, các cấp, các ngành đã quan tâm đến đất đai ở Phú Trạch. Nhiều cuộc họp HĐND tỉnh đã đề cập đến chuyện này... Và đến năm 2014, toàn bộ diện tích đất đai và các tài sản trên đất đã được bàn giao lại cho địa phương quản lý.

Từ khi có đất...

Có đất, chính quyền bắt đầu lo lắng phải làm gì để không lãng phí đất đai và những công trình trên đất, cơ chế phân chia để dân sản xuất như thế nào cho phù hợp với thực tế dân nghèo, khát việc làm lúc này?

Nhưng rồi mọi chuyện cũng đều êm xuôi với cách làm được coi là rõ ràng, hợp lòng dân. Sau khi nhận hồ nuôi tôm, các hộ dân sẽ nộp phí cho địa phương, mức phí phụ thuộc vào chất lượng đối với từng hồ nuôi. Nguồn kinh phí này sẽ phục vụ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm.

Anh Phương đã nêu khái quát những công việc của địa phương khi đất đai được “hoàn cố chủ”. Và điều đem lại cụ thể là khi hơn 100 hộ dân bắt tay vào sản xuất đã giải quyết việc làm cho hơn 150 lao động của địa phương. Nhưng với con tôm, “ăn” nó không dễ- Anh Phương chia sẻ thêm.

Chúng tôi đến bên hồ tôm của ông Hoàng Bổng, thôn Nam Sơn. Ông nói, qua ba vụ nuôi rồi nhưng kết quả chưa nhằm nhò gì. Chỉ có năm 2015, gia đình ông với hai hồ nuôi, diện tích gần một ha đã thu được hơn 80 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Tiếp đó vụ năm 2016 bị sự cố môi trường biển nên mất trắng. Năm nay, dịch bệnh phát triển khá mạnh nên nói chung là thất bát. Trong khi lệ phí vẫn phải đóng đều đặn cho xã, hồ bê tông nghiêm chỉnh phải nộp 3 triệu đồng/ năm, hồ đất 1 triệu đồng/ năm...

Nhìn ông đang thả những con có trắm to bằng cổ tay xuống hồ, chúng tôi thắc mắc sao không phải tôm mà là cá? Ông giải thích: “Mình tận dụng trong lúc hồ nhàn rỗi để thả cá trắm rồi vỗ lớn cá, đến gần Tết sẽ bán kiếm chút lời bù vào công giữ hồ, vệ sinh hồ. Còn vụ nuôi tôm chính sẽ bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán. Ra Tết, chú đến đây sẽ thấy không khí làm việc trên đồng nhộn nhịp lắm”.

Thôn Nam Sơn của xã Phú Trạch có số hộ nuôi đông nhất với 70 hộ trên tổng số 107 hộ nuôi toàn xã. Anh Đỗ Văn Phú, trưởng thôn Nam Sơn cho biết, là vùng nuôi tôm công nghiệp của doanh nghiệp, nhưng bỏ hoang hóa đã lâu, mọi cơ sở hạ tầng phục vụ việc nuôi tôm đã bị hư hỏng hết, như: hệ thống điện, kênh mương dẫn nước, đường sá, đê bao... Hệ thống hồ nuôi tôm cũng đã sạt lở nhiều cần phải tu bổ...

Thế sử dụng điện ở đâu để nuôi tôm? Chúng tôi hỏi, anh Phú cho hay hầu hết đều phải dùng máy nổ vừa chi phí cao vừa gây ô nhiễm vùng nuôi. Mà nuôi tôm là phải sạch sẽ.

Trên cánh đồng rộng bao la vẫn còn những nét “hoành tráng”, đó là nhiều hồ tôm được xây bờ bao bằng gạch còn nguyên vẹn, nối tiếp nhau chạy dài tít tắp... Nhưng một điều ai cũng dễ nhận ra, hạ tầng này chưa thể đáp ứng việc nuôi tôm. Anh Phú nói” “Cái cần nhất hiện nay là có điện để chạy các mô tơ sục nước trong các hồ tôm. Hệ thống cấp nước mặn đã có, nhưng hệ thống thoát nước thì chưa, đây cũng là vấn đề bức xúc cần được chính quyền các cấp quan tâm”...?

Trao đổi điều này với anh Phương, anh Phương cho biết, thời gian chưa dài, tiền thu được từ các hộ nuôi còn ít, đầu tư thì lớn nên chúng tôi cũng mới làm được một số việc ban đầu. Như nâng cấp một số đoạn đường, nạo vét kênh dẫn nước nguồn (cấp nước mặn vào hồ nuôi)...

Để nuôi tôm, cần khôi phục lại hệ thống điện đã bị hư hại.

Việc cần làm còn nhiều lắm, người dân đang rất kêu. Chẳng hạn như điện, cả khu vực này cần có một trạm biến áp, rồi cần hệ thống đê bao chống lũ, hệ thống thoát nước cho các hồ nuôi... Nhưng làm những việc đó đòi hỏi kinh phí lớn, phải có thời gian và xã cũng rất cần sự trợ giúp của các ngành chức năng.
Bởi vậy, qua ba vụ nuôi mà kết quả thu được còn khá khiêm tốn là điều dễ hiểu.

Anh Phú cho biết, có hộ đạt trên trăm triệu mỗi vụ, như: hộ ông Hải, ông Kềnh ở Nam Sơn, nhưng đây là số ít. Phần lớn các hộ đều ở mức hòa vốn, thậm chí lỗ... Anh Phú đã phân tích rõ thêm, bên cạnh hạ tầng còn bất cập thì phần lớn người dân nuôi quảng canh, kỹ thuật nuôi chưa cao, khả năng ứng phó với dịch bệnh hạn chế, vả lại mấy vụ vừa qua bị tác động sự cố môi trường biển, nên vụ nuôi năm 2016 mất trắng, vụ tiếp theo cũng bị dịch bệnh nhiều...

Cũng chính điều này, anh Phú đã đề xuất xã, huyện cần tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi tôm, các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cho nông dân địa phương. Đã qua ba vụ nuôi, địa phương vẫn chưa tổ chức một lớp tập huấn nào cho dân về kỹ thuật nuôi tôm. Đây cũng là một thiếu sót lớn.

Có thể nói rằng, Phú Trạch vùng nuôi tôm khá lý tưởng nhưng chỉ mới là tiềm năng. Để biến tiềm năng thành đồng tiền bát gạo, chắc chắn nông dân trong xã sẽ còn đổ xuống nhiều mồ hôi, công sức và tiền của nữa cùng với các quyết sách cụ thể của chính quyền địa phương.

Chia tay với vùng đất đã trải qua những “bĩ cực”, tôi thầm nghĩ, giấc mơ của doanh nghiệp không thành, nhưng giấc mơ đổi đời từ đất đai với người nông dân vẫn còn đó, trên cánh đồng này, từ con tôm!

Tác giả: Văn Hoàng

Nguồn tin: baoquangbinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP