Bên cạnh nhu cầu có thực, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường, từ giáo viên phụ trách trên lớp gây áp lực không nhỏ cho nhiều phụ huynh không có nhu cầu cho con đi học thêm. Nhiều phụ huynh không muốn, không có nhu cầu và cả không có điều kiện cho con đi học thêm nhưng từ chối… không nổi.
Không phải không có những “con sâu” trong đội ngũ nhà giáo có đủ chiêu để ép học trò phải “tự nguyện” học thêm dù muốn hay không. Từ việc gây khó dễ bằng thái độ, cách phân biệt đối xử với học sinh; cố tình giảm chất lượng tiết học chính khóa để phần… dạy thêm; ra kiểm tra ở phần phải đi học thêm ở mình mới làm được bài…
Không phải không có những “con sâu” trong đội ngũ nhà giáo có đủ chiêu để ép học trò phải “tự nguyện” học thêm dù muốn hay không. Từ việc gây khó dễ bằng thái độ, cách phân biệt đối xử với học sinh; cố tình giảm chất lượng tiết học chính khóa để phần… dạy thêm; ra kiểm tra ở phần phải đi học thêm ở mình mới làm được bài…
Việc tổ chức dạy thêm trong nhà trường gây áp lực lớn đối với phụ huynh và học sinh
Chị Nguyễn Thị Loan, có con học ở Trường THCS H.H.T., TPHCM cho biết, quan điểm giáo dục của gia đình chị là phản đối việc trẻ phải học thêm ngoài giờ học chính khóa. Nhưng nhiều năm qua con chị vẫn không thể “đứng ngoài cuộc” vì nhiều lý do, trong đó một phần do mẹ thiếu bản lĩnh.
“Không còn dạy thêm trong nhà nhà trường thì bố mẹ cũng không còn bị động trong việc có nên cho con đi học thêm hay không. Như tôi vẫn sẽ cho con đi học thêm ở những môn học cháu yêu thích hoặc khi lớp 9 học để thi lên lớp 10 và mình sẽ hoàn toàn được quyền chọn chỗ học”, chị Loan chia sẻ.
Anh Trần Ngọc Đinh, có con học lớp 7 tại một trường đóng ở quận 1, TPHCM tâm sự, con anh học tiếng Anh bên ngoài trung tâm từ nhỏ mà lý do là anh chưa thật sự tin tưởng việc dạy ngoại ngữ trong trường học hiện nay. Vậy nhưng, để con “hòa đồng” với bạn bè và thầy cô ở trường, vợ chồng anh vẫn chấp nhận để con đi học thêm tiếng Anh dù biết vậy là thừa, tốn tiền tốn sức và rất mất thời gian của con.
Anh Đinh nói lên quan điểm về việc xóa dạy thêm trong nhà trường: “Nếu việc dạy học thêm hoàn toàn xuất phát từ sự tự nguyện của người học thì có lẽ không có gì phải bàn và chẳng cần cấm hay xóa. Bên cạnh sự tự nguyện, việc học thêm ở trường có khi xuất phát từ sự áp lực, từ sự cả nể, e ngại… nên xóa bỏ là cách tốt nhất để bố mẹ khỏi lo lắng mà thấy cô cũng đỡ mang tiếng".
Xuất phát từ người học, học thêm là một nhu cầu có thực của rất nhiều học sinh, phụ huynh. Chất lượng giờ học chính khóa chưa cao, tiết học chỉ 45 phút, sĩ số đông nên học sinh khó nắm hết kiến thức môn học, việc buộc phải học thêm để đáp ứng chương trình, đáp ứng việc thi cử là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, việc học thêm đặt trong khuôn khổ trường học, nơi học sinh đang theo học chính khóa lại trở nên gượng gạo, giống như một sợi dây trói không chỉ “siết” phụ huynh, học sinh còn còn “siết” cả danh dự, uy tín của đội ngũ nhà giáo. Ngườii học được trả lại quyền tự chủ đối với việc học thêm, có nhu cầu thì học, không thì thôi mà chẳng phải e ngại hay lo lắng điều gì.
Xóa dạy thêm trong trường học trả lại quyền tự chủ trong việc học thêm cho học trò
Trước đó, vào thời điểm tháng 9/2014 TPHCM quy định các hoạt động dạy học trong nhà trường có thu tiền của học sinh, có nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông nhưng ngoài kế hoạch giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông do Bộ GD-ĐT ban hành được Sở GD-ĐT TPHCM gọi là hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường và phải tuân theo các quy định về dạy thêm, học thêm.
Sở GD-ĐT thành phố cũng có văn bản thông báo sẽ xử lý nghiêm các trường hợp giáo viên ép học sinh học thêm dưới bất kỳ hình thức nào. Vậy nhưng để “bắt” được việc “ép” này có thể xem là chuyện không tưởng.
Nói như bà Nguyễn Thị Thu Cúc, hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, TPHCM, giáo viên làm việc dưới sự quản lý chuyên môn của nhà trường. Nhưng một khi người thầy đã không có tâm, có tiêu cực thì họ có đủ cách để ép học sinh. Trước hết là “đối phó” với quản lý chuyên môn của nhà trường bằng cách dạy đúng bài, đúng nội dung thì vẫn có đủ cách cách xén rất khéo. Họ vẫn dạy đủ, dạy không thiếu gì nhưng học sinh không hiểu được bài, buộc học sinh phải học thêm với mình.
Nhiều hiệu trưởng khác cũng thừa nhận, rất khó có cơ sở, bằng chứng để khẳng định một giáo viên nào đó ép học sinh học thêm. Việc hiệu trưởng áp đặt cảm tính có thể “bỏ lọt” nhưng cũng có thể gây hàm oan cho người thầy. Xóa dạy thêm, học thêm, hiệu trưởng cũng không phải đau đầu tiếp nhận, xử lý những phản ánh tiêu cực về giáo viên trong việc ép học sinh đi học thêm.
Việc xóa dạy thêm trong trường học có thể nói không chỉ gỡ bỏ những áp lực cho phụ huynh, cho học sinh mà còn giảm cả những áp lực, điều tiếng cho người thầy và cả cho đội ngũ quản lý. Vậy nên thật khó có lý do để phản đối quyết sách mạnh tay với dạy thêm, học thêm trong trường học.
Khi xóa dạy thêm trong nhà trường, trách nhiệm của ngành giáo dục là làm sao nâng cao chất lượng giờ học chính khóa bằng những hành động cụ thể như chăm lo điều kiện, môi trường làm việc của người thầy; chú trọng đến chương trình sao cho giảm tải, bớt hàn lâm, tăng tính thực tiễn. Nhất là trong điều kiện ngành giáo dục TPHCM đang được Bộ GD-ĐT ủng hộ tự xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ sách giáo khoa phù hợp thực tiễn phát triển của thành phố dựa trên khung chương trình chung của Bộ GD-ĐT.
Tác giả bài viết: Hoài Nam