Trong nước

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi

Sáng 24/7, tại Quảng Ngãi, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ngãi về thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình biểu dương và đánh giá cao những thành quả về KT-XH nói chung và thực hiện các chính sách về công tác dân tộc trên địa bàn thời gian qua. Đây là nền tảng quan trọng để các cấp trong tỉnh và đồng bào các dân tộc tiếp tục nỗ lực, phấn đấu vươn lên trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Trong 6 tháng đầu năm 2017, tình hình KT-XH của tỉnh tiếp tục có những tín hiệu đáng mừng, trong đó KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều khởi sắc, bản sắc văn hóa các dân tộc được duy trì và phát huy, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện, trình độ dân trí được nâng lên...

Tuy nhiên, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới của Quảng Ngãi còn thấp hơn các địa phương trong vùng và bình quân cả nước. Đặc biệt, số huyện nghèo còn cao, tỷ lệ hộ nghèo, nhất là hộ nghèo ở miền núi giảm chậm, thiếu bền vững, đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là vùng núi và vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn....

Để đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị tỉnh cần chú trọng thực hiện một số giải pháp về công tác dân tộc. Cụ thể là tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Chiến lược công tác dân tộc; Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị tỉnh đẩy mạnh đầu tư cho các huyện miền núi, phát triển kinh tế rừng tại các huyện vùng cao phù hợp điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, chuyển đổi nghề nghiệp gắn với đất rừng để vươn lên từng bước thoát nghèo...

Đặc biệt, tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc và miền núi theo hướng lồng ghép với việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; nhất là các chính sách về đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giáo dục đào tạo, y tế, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tín dụng ưu đãi; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt...

Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp chuyển đổi nghề, tạo việc làm ổn định và nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Tạo cơ hội tốt để đồng bào tiếp cận các nguồn lực phát triển và thụ hưởng dịch vụ, phúc lợi xã hội; thu hút mọi nguồn lực vào phát triển nông nghiệp, nông thôn nhất là đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thu hút nhiều lao động người dân tộc; hỗ trợ người dân tộc thiểu số về nhà ở, quy hoạch dân cư với hộ nghèo, hộ sống ở vùng thường bị thiên tai theo hướng ổn định, phát triển bền vững. Phấn đấu năm 2017 giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 1,9%, riêng các huyện miền núi giảm 5,7% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều.

“Đây là mục tiêu cao, thách thức lớn cho tỉnh. Vì vậy, cần tập trung cơ sở hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư tại các vùng khó khăn để thúc đẩy các địa bàn nghèo phát triển”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý.

Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đồng bào thiểu số, Phó Thủ tướng cho rằng, cần hun đúc ý chí thoát nghèo từ cho các em học sinh, gắn với nhu cầu thiết yếu của địa phương.

Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo ở các cấp học, nhất là trong các trường phổ thông dân tộc nội trú; thực hiện tốt chính sách cử tuyển dành cho con em các dân tộc thiểu số vào học tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp... Đa dạng hóa, phát triển nhanh các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề ở vùng dân tộc thiểu số; ưu tiên đào tạo vừa học vừa làm; đưa chương trình dạy nghề vào các trường dân tộc nội trú.

Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ và thực hiện dịch vụ y tế của trạm y tế xã, bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh. Chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

Tăng cường quản lý, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực văn hóa, thông tin; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động đồng bào phòng chống mê tín, dị đoan, suy thoái đạo đức, lối sống trong cộng đồng dân cư. Đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số, nhất là trong giới trẻ hiện nay.

Xây dựng và đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của tổ chức Đảng, các đoàn thể chính trị-xã hội đến từng thôn bản. Củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh vững chắc.

Tăng cường phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động đồng bào dân tộc thiểu số gây mất an ninh trật tự.

Đồng bào các dân tộc luôn một lòng theo cách mạng, đây là nền tảng cơ bản để xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh, tạo thế trận vững chắc về quốc phòng, an ninh để phát triển KT-XH mạnh mẽ thời gian tới, Phó Thủ tướng nói.

Về các kiến nghị của tỉnh, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao các bộ, ngành tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tác giả: N.H

Nguồn tin: Pháp Luật Plus

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP