Trong nước

Phó thủ tướng nêu 5 thành tựu của đối ngoại Việt Nam năm 2017

Tổ chức thành công APEC một trong những thành tựu nổi bật của công tác đối ngoại năm 2017, đưa Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý thế giới.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Giang Huy.

"Năm 2017 được đánh giá là một trong những năm thành công nhất của đối ngoại Việt Nam", Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh trong bài viết có tiêu đề "Thành tựu đối ngoại 2017: vị thế mới, khí thế mới", liệt kê 5 thành tựu của Việt Nam trong công tác đối ngoại.

Phó thủ tướng chỉ ra Việt Nam đã đảm nhiệm xuất sắc vai trò chủ nhà Năm APEC 2017 và đặc biệt là Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Sự kiện này làm nổi bật vai trò của Việt Nam đối với một sự kiện mang tầm vóc "toàn cầu". Sự tham dự của đầy đủ các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC; số lượng đại biểu, doanh nghiệp, phóng viên đông đảo nhất trong 10 năm gần đây; các khâu tổ chức và an ninh đã tạo được ấn tượng tốt đẹp với quốc tế.

"Sự kiện này đã đưa Việt Nam thành tâm điểm chú ý của thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam", Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Năm APEC 2017 là biểu hiện sinh động cho thấy hoạt động đối ngoại đa phương của VIệt Nam đã nâng lên một tầm cao mới, chuyển mạnh sang "chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung", Phó thủ tướng nhận xét.

Việt Nam còn đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống. Trong năm 2017, các lãnh đạo cấp cao đã thực hiện 18 chuyến thăm đến 19 nước, tham dự 8 hội nghị quốc tế đa phương, tiến hành hàng trăm cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo, nguyên thủ các nước trên thế giới, đồng thời đón 36 lượt nguyên thủ và thủ tướng các nước đến thăm Việt Nam.

Đặc biệt, trong dịp Tuần lễ cấp cao APEC, Việt Nam đã đón Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm cấp Nhà nước trong cùng một ngày. Cùng với đó là các chuyến thăm của Tổng thống Chile và Thủ tướng Canada, trên 50 cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC.

Một thành tựu nữa là Việt Nam chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát huy vai trò trong các mối liên kết và hợp tác kinh tế khu vực và quốc tế, hoàn thành tốt nhiệm vụ đối ngoại phục vụ phát triển của đất nước. Việt Nam cùng các nước thành viên kiên trì nền tảng để tiếp tục thảo luận hướng tới một Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương toàn diện và tiến bộ (CPTPP), bảo đảm các lợi ích của Việt Nam.

Việt Nam cũng đang cùng các nước tích cực thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao vận động và thúc đẩy Liên minh Châu Âu đưa Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sớm ký chính thức, tiến hành phê chuẩn và triển khai thực hiện. Lãnh đạo các nước đối tác cũng nhất trí cùng Việt Nam triển khai một cách hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu, Việt Nam – Hàn Quốc.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh còn nêu bật công tác đối ngoại đã tiếp tục góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo đảm ổn định chính trị, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Việt Nam cùng với Lào đã hoàn thành kế hoạch tăng dày và tôn tạo mốc giới, cùng Campuchia hoàn thành 84,6% khối lượng công việc phân giới, cắm mốc biên giới trên bộ, cùng Trung Quốc và Lào triển khai hiệu quả các văn kiện về quản lý biên giới và cửa khẩu.

Việt Nam cùng các nước ASEAN và Trung Quốc chủ động thúc đẩy và nhất trí thông qua Khung Bộ quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC) và chính thức khởi động đàm phán COC. "Việt Nam thúc đẩy đàm phán và trao đổi về các vấn đề trên biển với các nước trong khu vực, đồng thời kiên quyết và kiên trì đấu tranh với các hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo của ta", Phó Thủ tướng viết.

Không chỉ vậy, công tác đối ngoại cũng đã được triển khai toàn diện, hiệu quả và đạt nhiều kết quả trên nhiều lĩnh vực quan trọng khác. Việt Nam đã tranh thủ quan hệ và hợp tác tốt với các nước để đẩy mạnh việc bảo hộ công dân, ngư dân, bảo vệ địa vị pháp lý cho hơn 5.500 công dân và đưa gần 2.000 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước.

Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhiều hoạt động phong phú, thiết thực như Xuân Quê hương, Trại hè Việt Nam, kiều bào thăm Trường Sa, diễn đàn khởi nghiệp thanh niên người Việt... đã góp phần gắn kết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với đất nước.

"Ngoại giao Việt Nam sẵn sàng cho mọi thử thách trong năm tới và sẽ tiếp tục phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ Đảng, phục vụ đất nước, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc", Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Tác giả: Phương Vũ

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP