Kinh tế

Phía sau những vụ chuyển nhượng cổ phiếu chung “kịch bản”

Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa công bố thông tin về việc chuyển nhượng quyền sở hữu hơn 34,48 triệu cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Ảnh Internet

Theo đó, một pháp nhân là Công ty TNHH Quản lý Đầu tư Tín Tâm đã chuyển nhượng số cổ phần trên cho một thể nhân là Nguyễn Mạnh Cường. Thương vụ chuyển nhượng này liên quan đến việc Công ty TNHH Quản lý Đầu tư Tín Tâm đã giải thể vào ngày 2/3/2018, nên cần có người đứng tên cho hơn 34,48 triệu cổ phiếu VPB này.

Các giao dịch quen thuộc

Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Quản lý Đầu tư Tín Tâm được thành lập ngày 20/7/2017, với vốn điều lệ 345 tỷ đồng. Chủ sở hữu và người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Mạnh Cường, sinh năm 1995. Đây cũng là người nhận chuyển nhượng hơn 34,48 triệu cổ phiếu VPB từ Công ty TNHH Quản lý Đầu tư Tín Tâm.

Trước đó, nhiều vụ sang tên cổ phiếu VPB tương tự đã diễn ra. Ngày 11/4, VSD công bố về việc Công ty Tư vấn kinh doanh Trang Thành đã chuyển nhượng hơn 22,7 triệu cổ phiếu VPB cho một nhà đầu tư cá nhân là ông Trần Quốc Anh Thuyên - người đại diện theo pháp luật của Công ty. Việc chuyển quyền sở hữu này cũng liên quan đến việc Công ty Tư vấn kinh doanh Trang Thành giải thể và cần có người đứng tên cho số cổ phiếu VPB này.

Cuối tháng 3/2018, VSD cũng thông báo về việc chuyển quyền sở hữu gần 100 triệu cổ phiếu VPB từ 2 doanh nghiệp sang cho 4 cá nhân. Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư Quang Đăng chuyển tổng cộng 50 triệu cổ phiếu VPB sang cho 2 cá nhân là bà Đỗ Thị Mai và bà Bùi Thị Bích Hạnh. Đây cũng chính là cổ đông sáng lập của Đầu tư Quang Đăng.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH Đầu tư Lưu Khuyên chuyển nhượng 49.945.946 cổ phiếu VPB sang cho 2 cá nhân cũng chính là cổ đông sáng lập của công ty này, gồm bà Trần Thị Hương và bà Đặng Thị Thanh Tâm, trong đó bà Trần Thị Hương nhận về 23.199.527 cổ phiếu.

Tương tự, các thương vụ này đều liên quan đến việc giải thể hoạt động của hai công ty Quang Đăng và Lưu Khuyên.

Nhiều điểm tương đồng

Tìm hiểu các giao dịch sang tên trên, có thể thấy nhiều điểm tương đồng. Đó là, các pháp nhân chuyển nhượng số cổ phiếu VPB trên trước khi giải thể mặc dù là các pháp nhân độc lập nhưng được thành lập gần như cùng thời điểm. Cụ thể, Tín Tâm thành lập ngày 20/7/2017; Trang Thành ngày 25/7/2017; Lưu Khuyên ngày 20/7/2017 và Quang Đăng ngày 21/7/2017 - ngay trước thời điểm VPBank chào sàn HOSE (28/7/2017). Các công ty này cùng có ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính chưa được phân vào đâu; rồi lại cùng tuyên bố giải thể sau hơn một năm thành lập và chuyển quyền sở hữu cổ phiếu VPB cho chính chủ sở hữu của các doanh nghiệp đó.

Lưu ý, trước thời điểm cổ phiếu VPB chính thức lên sàn HOSE cũng đã diễn ra nhiều giao dịch nội bộ của các thành viên chủ chốt của ngân hàng này. Và sau khi lên sàn 2 tháng, VPBank đã hoàn tất đợt phát hành riêng lẻ 164,7 triệu cổ phiếu với giá chào bán 39.000 đồng/CP cho ba cá nhân là Lê Việt Anh, Nguyễn Phương Hoa và Trần Ngọc Lan.

Giải thích hiện tượng này, có ý kiến cho rằng, những giao dịch này nhằm cơ cấu lại tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn. Do trước khi niêm yết, lưu ký chứng khoán trên VSD, các giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu của nhóm cổ đông lớn, cổ đông nội bộ hay người có liên quan của cổ đông nội bộ ngân hàng không phải công khai. Tuy nhiên, khi đã lên sàn thì các giao dịch của nhóm cổ đông lớn này phải được công khai.

Ngoài ra, nhằm chào bán cổ phần cho đối tác bên ngoài trước khi lên sàn, một số doanh nghiệp thay vì chào bán riêng lẻ trực tiếp cho đối tác - vốn bị ràng buộc bởi điều kiện hạn chế chuyển nhượng 1 năm - thì sẽ chào bán cho đối tác cổ phần của một số cổ đông hiện hữu. Sau khi lên sàn, doanh nghiệp sẽ phát hành riêng lẻ cho các cổ đông đã bán ra lúc trước với giá tương đương.

Tác giả: Thế Anh

Nguồn tin: Báo Đấu thầu

  Từ khóa: cổ phiếu , chuyển nhượng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP