Theo Kết luận thanh tra về quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật về đầu tư xây dựng tại TP Hải Phòng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay giai đoạn 2010-2017, kế hoạch đấu thầu các dự án đã được chủ đầu tư lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo trình tự của Luật Đấu thầu và các nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu để tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ đánh giá việc lập thẩm định và phê duyệt kế hoạch đấu thầu chưa sát thực tế, chưa tổng thể và khoa học về thời gian tổ chức thực hiện do vậy quá trình triển khai không khả thi; công tác đấu thầu còn nhiều hạn chế, thiếu sót.
Đường 356, Hải Phòng. |
Tiết kiệm qua đấu thầu đạt tỷ lệ rất thấp
Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ phát hiện tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu các dự án ở Hải Phòng đạt tỷ lệ rất thấp. Ở hầu hết các gói đấu thầu thực hiện được kiểm tra đạt tỷ lệ tiết kiệm từ 0,1-0,5% như gói thầu 4A, 05, 6A, 7, 8A, 8B thuộc Dự án đê tả Lạch Tray; gói thầu xây lắp thuộc Dự án đường trục chính Tây Nam Khu công nghiệp Đình Vũ; gói thầu xây lắp số 14 thuộc Dự án xây dựng công trình khu nhà ở sinh viên giai đoạn 1.
Ngoài ra một số gói thầu đạt tỷ lệ tiết kiệm từ 0,25-1,5% như các gói thầu thuộc Dự án đầu tư xây dựng Trường THPT chuyên Trần Phú (giai đoạn 1); gói thầu số 8 dự án tuyến đường Đông Khê 2, quận Ngô Quyền; gói thầu số 3 DD2-T100 thi công xây lắp thuộc Dự án tuyến đường trục chính 100m Lạch Tray-Hồ Đông. Các gói thầu số 2, số 3, số 4 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bao quanh phía Đông Nam quận Hải An chiết giảm với tỷ lệ thấp đạt từ 0,01-0,13%.
Việc đề xuất xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các dự án có tính cấp bách, công trình đặc thù, hoặc thực hiện theo lệnh khẩn cấp, để thực hiện chỉ định thầu hoặc chỉ định thầu rút gọn theo hình thức thương thảo ký hợp đồng không qua bước lập hồ sơ yêu cầu và thẩm tra hồ sơ đề xuất, nhưng thực tế triển khai thực hiện dự án không có tính chất cấp bách, khẩn cấp.
Điển hình như ở Dự án đê biển Bạch Đằng trong đó chỉ định thầu gói số 4 không chiết giảm 5% tiết kiệm theo kế hoạch đấu thầu được duyệt, điều chỉnh kế hoạch đấu thầu gói thầu xây lắp số 13 theo hình thức đấu thầu với tỷ lệ tiết kiệm chi phí 0,069% nhỏ hơn 5% kế hoạch đấu thầu được duyệt ban đầu về chỉ định thầu theo văn bản đồng ý của Thủ tướng.
“Điều đó cho thấy thực chất dự án kéo dài không có tính chất của dự án cấp bách như đề xuất của chủ đầu tư và các sở ngành, UBND TP Hải Phòng”- kết luận nêu rõ.
Năng lực nhà thầu chưa đảm bảo
Qua kiểm tra hồ sơ năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu thực hiện các dự án tương ứng về giá trị quy mô, tính chất cho thấy một số nhà thầu được lựa chọn chưa đảm bảo yêu cầu như dự án đầu tư xây dựng đường bao phía Đông Nam quận Hải An của nhà thầu liên danh Công ty CP xây dựng công trình 568; Dự án khu bay cảng hàng không quốc tế Cát Bi tại các gói thầu số 9, 10, 11 của các nhà thầu trong liên danh ACC- Phúc Lộc- IMICO và Liên danh Phúc Lộc - IMICO không đủ năng lực về kinh nghiệm thi công tương tự theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu.
Công tác quản lý chất lượng công trình trong giai đoạn 2010-2017 đã được UBND TP Hải Phòng chỉ đạo, các sở ngành thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng. Tuy nhiên quan thanh tra công tác quản lý chất lượng công trình còn một số tồn tại, hạn chế, thiếu sót.
Gói thầu số 28 xây dựng cầu chính, cầu dẫn, cầu Hoàng Văn Thụ, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh là không phù hợp. Việc sử dụng dự phòng phí không được quy định rõ ràng trong hợp đồng. Việc thu hồi tạm ứng không đưa ra được tỷ lệ thu hồi tại các kỳ thanh toán.
Qua kiểm tra cho thấy tình trạng chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng ở một số dự án phải thực hiện gia hạn tiến độ nhiều lần.
Tính đến thời điểm thanh tra, Dự án đường trục chính Tây Nam Khu công nghiệp Đình Vũ tại gói thầu xây lắp đã chậm tiến độ so với hợp đồng gốc là 25 tháng; Dự án đầu tư xây dựng cầu Khuể tại gói thầu số 24 cải tạo nâng cấp 1,9 km đường dẫn chậm so với hợp đồng ban đầu 15 tháng hiện vẫn còn 1,2 km chưa giải phóng mặt bằng. Dự án đầu tư xây dựng Trường THPT chuyên Trần Phú công tác giải phóng mặt bằng kéo dài 5 năm; dự án Đường 356 thời gian thực hiện từ 475 ngày điều chỉnh lên 1.870 ngày…
Kết luận còn chỉ rõ việc triển khai dự án đầu tư khi chưa thực hiện thu hồi đất, chưa có phương án bồi thường giải phóng mặt bằng như Dự án tuyến đường trục chính 100m Lạch Tray- Hồ Đông được phê duyệt từ năm 2007, thời gian thực hiện từ 2008-2018 nhưng đến năm 2013 mới có quyết định thu hồi đất và giao cho chủ đầu tư đạt gần 42%. Dự án Khu đô thị mới Lạch Tray- Hồ Đông phê duyệt năm 2010 chưa có quyết định thu hồi đất và giao đất, chưa có phương án bồi thường giải phóng mặt bằng.
Dự án đường liên phường quận Hải An phê duyệt năm 2004, năm 2005 tổ chức đấu thầu các gói thầu xây lắp nhưng không có mặt bằng thi công, chậm giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng 1 năm đối với gói thầu số 9 và 3 năm đối với gói thầu số 7, số 8. Do vậy, các gói thầu đã phải thực hiện điều chỉnh giá do thay đổi chính sách liên quan đến vật liệu, nhân công, máy làm tăng chí phí đầu tư.
Công trình thi công cầu Hoàng Văn Thụ. |
Hàng loạt dự án “đội vốn khủng”
Như Dân trí đã phản ánh, Thanh tra Chính phủ phát hiện hàng loạt dự án “đội vốn khủng” từ vài trăm tới cả nghìn tỷ đồng. Trong đó, Dự án Cải tạo nâng cấp đường 356 được phê duyệt năm 2010 với tổng mức đầu tư gần 315 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2010-2014 nhưng đã điều chỉnh tổng mức đầu tư vào năm 2012 lên tới gần 1.311 tỷ đồng.
Dự án Đường bao phía Đông Nam quận Hải An phê duyệt năm 2009 với tổng mức đầu tư 886,5 tỷ đồng, điều chỉnh dự án năm 2012 với tổng mức đầu tư 2.066 tỷ đồng. Dự án Đê biển Nam Đình Vũ phê duyệt năm 2010 với tổng mức đầu tư 998,4 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2011-2013 nhưng cuối năm 2013 đã điều chỉnh với tổng mức đầu tư gần 3.249 tỷ đồng.
Dự án khu neo đậu tầu cá Cát Bà được phê duyệt năm 2005 với tổng mức đầu tư trên 64 tỷ đồng, sau 4 lần phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư được phê duyệt lần cuối năm 2013 lên tới 185 tỷ đồng (tăng cấp 3 lần và chậm 8 năm).
Dự án đầu tư xây dựng Trường THPT chuyên Trần Phú (giai đoạn 1) được phê duyệt năm 2008 với tổng mức đầu tư trên 240 tỷ đồng, đến năm 2016 điều chỉnh lên thành 356 tỷ đồng (tăng gần 116 tỷ đồng và kéo dài thêm 4 năm).
Dự án đầu tư xây dựng cầu Khuể được phê duyệt năm 2007 với tổng mức đầu tư trên 236,4 tỷ đồng, sau 3 lần điều chỉnh, phê duyệt lần cuối năm 2016 đã có tổng mức đầu tư 479 tỷ đồng (tăng gần 236 tỷ đồng).
Dự án xây dựng công trình khu nhà ở sinh viên giai đoạn 1 được phê duyệt năm 2009 với tổng mức đầu tư trên 177,6 tỷ đồng, sau 5 lần điều chỉnh, trong đó có 3 lần điều chỉnh tổng mức đầu tư đã lên tới 368 tỷ đồng- tăng 190,4 tỷ đồng.
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: Báo Dân trí