Kinh tế

Petrolimex khẩn thiết xin sớm sáp nhập PG Bank vào HDBank

Doanh nghiệp này cho rằng chậm sáp nhập ngày nào, nhân sự chủ chốt sẽ tiếp tục biến động ngày ấy, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cũng như tính an toàn của chính PG Bank.

Trong một văn bản mới đây gửi Ngân hàng Nhà nước, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - doanh nghiệp mẹ của Ngân hàng Xăng dầu Việt Nam (PG Bank) cho hay, việc tìm kiếm và lựa chọn đối tác sáp nhập dược xúc tiến từ năm 2014. Tại đại hội cổ đông thường niên PG Bank hồi tháng 4/015 đã thông qua giao dịch sáp nhập ngân hàng này vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương VN – VietinBank.

Tuy nhiên, giao dịch sáp nhập với VietinBank sau gần 3 năm triển khai không mang lại kết quả đã ảnh hưởng đến hoạt động của PG Bank với tư cách là bên bị sáp nhập. Tháng 4/2018, đại hội cổ đông bất thường của PG Bank đã thông qua giao dịch ngân hàng này với Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển nhà TP HCM (HDBank). Hai ngân hàng đã trình hồ sơ sáp nhập theo quy định hiện hành.

Theo Petrolimex, do quá trình sáp nhập của PG Bank liên tục bị trì hoãn, kéo dài khiến nhiều nhân sự của ngân hàng này đã nghỉ việc, chuyển sang các nhà băng khác. Việc thiếu hụt nhân sự đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh bình thường của PG Bank.

Thời gian gần đây, hai ngân hàng đã thực hiện các bước công việc cuối cùng chuẩn bị cho việc sáp nhập và nhân sự lại tiếp tục có biến động lớn. Các đợt biến động nhân sự ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như an toàn của ngân hàng nhất là việc các nhân sự chủ trốt nghi việc. “Do vậy, Petrolimex đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận chính thức với việc sáp nhập PG Bank vào HDBank…”, Petrolimex khẩn thiết đề nghị.

Theo phương án sáp nhập Ngân hàng Xăng dầu Việt Nam (PG Bank) vào Ngân hàng Phát triển TP HCM (HDBank), tỷ lệ hoán đổi là mỗi cổ đông sở hữu một cổ phiếu PG Bank nhận lại 0,621 cổ phiếu HDBank (tỷ lệ 1:0,621).

Với tỷ lệ này, Petrolimex có thể sở hữu khoảng 6% vốn ngân hàng sau sáp nhập, nên ngoài lợi ích về kinh doanh, tập đoàn cũng sẽ trở thành cổ đông và hưởng những quyền lợi khác như các cổ đông HDBank, đáng kể nhất là phần cổ tức sở hữu hàng năm.

Việc sáp nhập dự kiến hoàn thành trong năm nay, sau khi Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận về nguyên tắc từ đầu tháng 9. HDBank sau sáp nhập có quy mô vốn điều lệ đạt 15.345 tỷ đồng, sở hữu gần 370 chi nhánh và phòng giao dịch, hơn 15.000 điểm giao dịch tài chính.

Tác giả: H.Anh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP