Kinh tế

Petrolimex muốn bán bớt vốn nhà nước, lấy tiền đầu tư loạt “đại” dự án

Trong 3 năm tới, nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh và đầu tư phát triển của Petrolimex khoảng 39.200 tỷ đồng (trong đó cho đầu tư phát triển 34.100 tỷ đồng) cùng với chính sách chia cổ tức thì nguồn vốn đầu tư phát triển phải được huy động trên các kênh: Phát hành tăng vốn điều lệ, vay vốn hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp…

Petrolimex dự kiến đầu tư 7 dự án với tổng nguồn vốn lên tới 34.100 tỷ đồng.


Cần 34.100 tỷ đồng cho đầu tư phát triển

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – Petrolimex (mã CK: PLX) vừa có báo cáo gửi Bộ Công Thương về phương án thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp này.

Petrolimex cho biết, là một tập đoàn kinh tế lớn, có doanh thu lớn nhất sàn HOSE, vốn hoá trong thị trường lớn, nhưng vốn điều lệ hiện nay chỉ trên 12 nghìn tỷ đồng (khoảng 500 triệu USD) chưa tương xứng vị thế của doanh nghiệp.

Hồi tháng 7/2017, Petrolimex hoàn tất phát hành cổ phiếu ưu đãi hoàn lại cho các cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành là 12%, nâng vốn điều lệ lên 12.938 tỷ đồng.

Sau khi phát hành, vốn góp Nhà nước là 9.816,8 tỷ đồng (chiếm 75,87%), vốn góp của Tập Đoàn JX (Nhật Bản) là 1.035 tỷ đồng (chiếm 85), còn lại là cổ phiếu quỹ và vốn góp của cổ đông thiểu số. Vốn điều lệ và tỷ lệ sở hữu vốn này duy trì tới thời điểm hiện nay.

Trong giai đoạn 2018 – 2023, Petrolimex cho biết cần nguồn vốn đầu tư rất lớn cho các dự án phát triển. Cụ thể, trong danh mục dự toán đưa ra có tổng cộng 7 dự án với tổng nguồn vốn lên tới 34.100 tỷ đồng.

Trong số này, có 2 dự án lớn nhất, cần nhiều vốn nhất là đầu tư vào nhà máy lọc dầu của JXTG tại Nhật Bản (50% vốn nhà máy) là 11.500 tỷ đồng và đầu tư kho cảng LNG Tân Phước (70% tổng giá trị dự án) là 6.300 tỷ đồng. Đồng thời, Petrolimex cũng dự kiến xây toà nhà văn phòng với tổng đầu tư 1.100 tỷ đồng.

7 dự án với tổng nguồn vốn lên tới 34.100 tỷ đồng.

Theo Petrolimex, việc phát hành tăng vốn điều lệ để tài trợ vốn cho các dự án chiến lược có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển của Tập đoàn trong tương lai.

Trong 3 năm tới, nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh và đầu tư phát triển của Tập đoàn khoảng 39.200 tỷ đồng (trong đó cho đầu tư phát triển 34.100 tỷ đồng) cùng với chính sách chia cổ tức thì nguồn vốn đầu tư phát triển phải được huy động trên các kênh: Phát hành tăng vốn điều lệ, vay vốn hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp…

Bán vốn Nhà nước xuống còn 51%

Petrolimex cho biết, việc phát hành tăng vốn điều lệ sẽ giúp Tập đoàn có thêm nguồn vốn để đầu vào các dự án trong giai đoạn 5 năm tới, cụ thể là đầu tư vào lĩnh vực lọc hoá dầu và đầu tư vào lĩnh vực LNG. Đối với các dự án này, tổng nhu cầu vốn đầu tư sẽ là 23.000 tỷ đồng.

Phương án huy động vốn này sẽ được tính toán dựa trên các giả định khi phát hành như sau: Giá phát hành sẽ căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm phát hành theo tiêu chí mức giá bán sẽ không thấp hơn giá định giá của tổ chức có chức năng cung cấp xác định giá trị doanh nghiệp và giá đóng cửa phiên giao dịch liền kề trên HOSE.

Giả định giá phát hành dự kiến là 60.000 đồng/cổ phần, tổng số cổ phần mà Petrolimex phát hành là 191.700.000 cổ phần và tổng số tiền dự kiến thu về là 11.500 tỷ đồng.

Sau khi phát hành tăng vốn điều lệ cho các dự án trên thì vốn điều lệ mới dự kiến của Petrolimex là 16.772 tỷ đồng. Khi đó, tỷ lệ vốn nhà nước sẽ là 58,5%.

Tiếp đến, để đảm bảo tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống 51%, Tập đoàn xây dựng phương án thoái vốn Nhà nước từ 58,5% xuống 51% (bán 7,5% vốn điều lệ mới).

Cụ thể: Tổng số lượng cổ phần cần chào bán là 125.790.000 cổ phần. Giá dự kiến thoái là 60.000 đồng/cổ phần. Tổng số nhà nước dự kiến thu về là 7.547 tỷ đồng.

Tác giả: Nguyễn Khánh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP